Nhiều nội dung hấp dẫn sẽ được đưa ra bàn luận như: đóng cửa các trường chất lượng thấp, tiến tới “đặt hàng” về đào tạo và ưu đãi việc làm...

Ngày 16.8, Bộ GDĐT tổ chức họp cùng các trường sư phạm để tìm hướng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh điểm chuẩn đầu vào quá thấp.

Trong đó, nhiều nội dung nóng sẽ được đưa ra bàn luận như: Đóng cửa các trường chất lượng thấp, tiến tới “đặt hàng” về đào tạo và ưu đãi việc làm...

Sẽ có chuẩn riêng cho ngành sư phạm

Ngoài những “mưa” điểm 10 thì có lẽ điểm nóng nhất của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 phải kể đến chính là điểm chuẩn ngành sư phạm quá thấp. Cho đến thời điểm hiện tại, các trường đã tuyển xong đợt 1 và và đưa ra chỉ tiêu xét tuyển đợt 2. Nhiều trường ĐH sư phạm lớn như: ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, khoa Sư phạm ĐH Vinh vẫn còn hàng trăm chỉ tiêu đợt 2 chờ thí sinh.

Trong khi đó, các trường cao đẳng sư phạm địa phương như: Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Bắc Ninh… chỉ lấy 9 – 10 điểm/3 môn mà vẫn thiếu thí sinh trầm trọng.

Trước thực trạng chuẩn ngành sư phạm “tụt dốc”, nhiều người tỏ ra lo lắng chất lượng của những giáo viên tương lai, đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Chia sẻ về các giải pháp mà Bộ GDĐT đang hướng tới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho hay: Vấn đề điểm chuẩn thấp của các trường sư phạm là rất đáng lo lắng. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi ở một số trường sư phạm cho thấy, không phải tất cả các thí sinh điểm thấp ở mức 9, 10 điểm đều đến nhập học. Thí sinh cũng lượng sức của họ đi vào đâu thì hiệu quả hơn cho con đường lập nghiệp sau này. Tại cuộc họp chiều nay, chúng tôi sẽ bàn chuyên đề với các trường sư phạm để làm sao nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo thống kê, cả nước có 14 trường đại học chuyên về sư phạm, 58 cơ sở đại học có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Tuy nhiên, ở các trường sư phạm cũng có cả chỉ tiêu đào tạo các ngành khác, không phải chỉ có sư phạm.

Trong thời gian qua, chúng ta chưa thực hiện quy hoạch mạng lưới được do chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn để đánh giá các trường sư phạm. Vì thế, chưa kiện toàn hệ thống, tuyển sinh chưa kiểm soát được trình độ đầu vào. Đầu ra vẫn để dư thừa nhiều, dẫn đến có những bức xúc trong dư luận.

Đối với các trường sư phạm thì can thiệp và điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với toàn hệ thống. Chúng ta phải đánh giá rằng, với quy mô dân số như vậy, với nhu cầu học tập như vậy thì nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu. Và nhu cầu giáo viên đến đâu chúng ta đào tạo đến đó.

Đầu tư vào các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục nên vấn đề nâng cao chất lượng phải được xem trọng. Vì vậy, trong năm học tới, bên cạnh xây dựng quy chuẩn trường đại học nói chung, chúng tôi cũng sẽ có chuẩn riêng của các trường sư phạm để đánh giá.

Trên cơ sở chuẩn đó sẽ rà soát lại hệ thống trường sư phạm hiện nay. Trường nào đạt chuẩn sẽ tiếp tục đầu tư, tồn tại. Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu thì vẫn phải đầu tư và có thể hợp nhất với trường lớn, chất lượng đã tốt rồi, để lan tỏa chất lượng. Và tất nhiên, trường nào yếu, chất lượng quá thấp, xã hội không lựa chọn, sẽ phải đóng cửa.

Đó là những định hướng chính trong dự thảo mà chúng tôi đang xây dựng.

Tiến tới “đặt hàng” đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra

Trước nguyên nhân dẫn đến thí sinh không muốn học sư phạm là do vấn đề đầu ra tìm việc khó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, trong dự thảo quy hoạch với các trường sư phạm, chúng tôi cũng dự định toàn khối sư phạm sẽ phân khúc, phân loại. Những trường đạt chuẩn sẽ có “đặt hàng” đào tạo, đảm bảo có đầu ra. Sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ có những ưu đãi về việc làm.

Trước mắt sẽ tập trung vào khối trường chất lượng nhất và khối sinh viên chất lượng nhất. Khi nào có khảo sát của toàn hệ thống thì có thể sẽ tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra.

Hiện chỉ tiêu của khối sư phạm chúng tôi đã siết rất nhiều, quản lý chặt chẽ hơn so với các trường khác, không chỉ căn cứ vào năng lực mà còn căn cứ vào nhu cầu. Trong ba năm gần đây, hầu như mỗi năm đều giảm từ 15-20% chỉ tiêu của toàn hệ thống.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng tiết lộ, Đề án quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo giáo viên đang được xây dựng sẽ trình Chính phủ thẩm định và phê duyệt. Trong đó, sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện chủ trương này chứ không chỉ riêng Bộ GDĐT vào cuộc.

/ Huyên Nguyên/Laodong