Bộ GTVT khẳng định, việc căn cứ vào một số nội dung trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD để quy chụp rằng bộ muốn bảo hộ cho VNA là không chính xác.
Trong những ngày qua, trên một số trang báo và mạng xã hội đăng tải thông tin về việc bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xây dựng chính sách bảo hộ dành cho hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo hộ này có nguy cơ phạm luật và đi ngược lại với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường với nền tảng cạnh tranh công bằng.
Về vấn đề này, bộ GTVT lý giải: ngày 26/3/2019, bộ này có văn bản báo cáo phục vụ cuộc họp do Thủ tướng chủ trì.
Văn bản có nêu "những đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền bộ đang xem xét xử lý", trong đó có nội dung "Bộ GTVT giao cho cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, giải quyết sớm theo thẩm quyển về nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với Hãng hàng không Quốc gia trong vấn đề phân bổ slot, kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp các Hãng hàng không Quốc gia phát triển bền vững, giữ vị thế chủ đạo".
Bộ có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo Thủ tướng theo đúng yêu cầu. Còn đây không phải là chỉ đạo của bộ này.
| |
GTVT vướng nghi án đề xuất bảo hộ cho Vietnam Airlines. Ảnh: VNA |
Ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng bộ GTVT cho biết thêm, việc căn cứ vào một số nội dung trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD ngày 26/3 để quy chụp rằng bộ GTVT muốn bảo hộ cho VNA là không chính xác.
Theo ông Dũng, hiện VNA cũng như các Tổng Công ty, tập đoàn kinh tế thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp nên tất cả những gói cứu trợ hay giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho những DN này về nguyên tắc đều phải được đề xuất từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Còn từ trươc đến nay, trong các đề xuất của mình, bộ GTVT luôn đưa ra những kiến nghị tháo gỡ chung cho tất cả ngành Hàng không chứ không riêng cho hãng bay nào.
“Tôi có thể khẳng định bộ GTVT chưa bao giờ ra một cái văn bản nào về việc tháo gỡ khó khăn cho riêng VNA” - ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bộ GTVT bao giờ cũng tiến hành tổng hợp lại tất cả những ý kiến kiến nghị của các DN gửi về. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, gần như chỉ có mỗi VNA là DN báo cáo cụ thể về những thiệt hại với những số liệu cụ thể và những kiến nghị cụ thể của họ. Đó cũng là một trong những lý do trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD ngày 26/3/2020, phần đề xuất kiến nghị của DN, bộ GTVT chỉ đề cập tới trường hợp kiến nghị của VNA.
“Văn bản 2875 có tính thời điểm. Tức là vào thời điểm đó hãng bay nào có đề xuất gì thì bộ sẽ tổng hợp ý kiến đó để báo cáo lên trên” - ông Dũng nói và cho biết thêm, đến ngày 8/4, tại văn bản mới nhất liên quan đến việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không bị thiệt hại bởi Covid-19 - văn bản số 3329/BGTVT-VT, bộ GTVT đã đề xuất giải pháp tổng hòa cho tất cả các hãng bay, đó là tạo điều kiện cho các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không. Đặc biệt, bộ nhấn mạnh, không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phẩn bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam.
Vũ Đậu (T/h)
Hỗ trợ thời Covid 19: Đừng để “Bóng ma bảo hộ” trở lại! Nhóm Vietnam Airlines được Cục Hàng Không phân bổ 50/60 chuyến bay. |
Đề xuất bảo hộ VNA: Muốn cứu cũng phải cứu hợp pháp Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) báo lỗ khoảng 20.000 tỷ đồng và dòng tiền bị thâm hụt khoảng 15.000 ... |