Tài sản bất minh, không giải trình được phải truy đến cùng và có thể tịch thu. Đó là đề nghị của các đại biểu khi thảo luận luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sáng nay, 21.11 tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị truy đến cùng tài sản tham nhũng NGỌC THẮNG

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi phải làm rõ tài sản bất minh có coi là tài sản tham nhũng hay không. Theo đại biểu, có 2 vấn đề cốt tử trong lần sửa đổi này, thứ nhất là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng truy lùng đến cùng nguồn gốc các loại tài sản. Bởi từ trước đến nay, việc chuyển dịch và xác lập quyền sử hữu ban đầu cho khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mà không vấp phải sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, trở thành nơi trú ẩn, cất giữ tài sản tham nhũng.

Thứ hai là trách nhiệm giải trình tài sản. Đại biểu Sơn cho rằng, các đối tượng phải chứng minh nguồn gốc đó là hợp pháp, nếu không thì Nhà nước có thể tịch thu.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cũng đề nghị phải truy đến cùng, bất cứ ai, đối tượng nào nếu chiếm hữu tài sản có được từ tham nhũng phải bồi thường, Nhà nước cũng phải thu hồi về.

Cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng

Liên quan đến việc có nên bổ sung việc kiểm soát tham nhũng khu vực ngoài nhà nước vào dự thảo luật sửa đổi lần này hay không, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn vì tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt nên không thể ai cũng đưa vào diện chống tham nhũng.

“Tôi hoàn toàn tán thành, cần phải cắt đường dây kết nối giữa khu vực trong và ngoài nước, cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng, nhưng không có nghĩa chỉ dùng con dao duy nhất là luật Phòng chống tham nhũng mà có quy định khác nhau. Quan điểm của tôi là không tán thành mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức, kiểm soát từ lúc đó trở nên mới quan trọng”, ĐB Nhưỡng đề nghị.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng cần phải đưa cả khu vực tư vào trong luật. Theo đại biểu Nghĩa, hiện đang có tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa khu vực công và tư để tham nhũng, gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia. “Tài sản 1 triệu USD, họ đưa ra khu vực tư kê 1,5 triệu rồi lại quả 500.000 USD. Nếu thả nổi hoàn toàn cũng không được”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chọn phương án trung dung. Theo đại biểu này, không nên chọn rộng hay hẹp mà cần chọn đối tượng phải kê khai. Đại biểu đề nghị nên nghiên cứu theo các thống kê và khuyến nghị tổ chức minh bạch quốc tế hàng năm trong các lĩnh vực, vị trí có nhiều tham nhũng; thống kê án hàng năm xem tập trung vào ngành, lĩnh vực nào.

“Có ngành, lĩnh vực mà bất cứ cán bộ nào cũng phải kê khai, nhưng có ngành thì không cần thiết. Một đại biểu quốc hội, chuyên trách, một đại biểu của HĐND chưa chắc bằng kế toán bệnh viện, cán bộ địa chính ở xã", ông Hiểu bày tỏ.

Liên quan đến các đối tượng phải kê khai, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất, ngoài vợ chồng hoặc con chưa thành niên, cần quy định thêm cả bố, mẹ, con đã thành niên. “Vụ Giang Kim Đạt, ông bố Gia Kim Hiển bị truy tố tội danh chứa chấp, tiêu thụ tài sản, đứng tên nhiều nhà, tài sản. Nêu cần bổ sung đối tượng này”, ĐB Hiểu nói.

Muốn kê khai tài sản được thực chất: Phải giao cho một lực lượng xác minh việc kê khai

Đó là ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi trao ...

Phải bắt buộc người thân quan chức kê khai tài sản

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nhận định: “Trong đa số các trường hợp, người có chức ...

https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-me-de-quan-chuc-cung-phai-ke-khai-tai-san-902202.html

/ Thanh niên