Những ngày qua, tâm trạng của người dân trên cả nước như chùng lại khi khúc ruột miền Trung phải oằn mình chịu đựng thiên tai liên tiếp.

Người dân ở Quảng Bình nhận quà cứu trợ của đoàn từ thiện TƯGH và Phật giáo TP.HCM ngày 24-10 - Ảnh: Như Danh

Hàng loạt những đợt bão, lụt, sạt lở đất núi ập đến khiến hàng chục vạn người lâm vào cảnh khốn khó. Nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình bị nước lũ cô lập.

Đáng lo ngại hơn khi nhiều nơi xảy ra tình trạng nước lũ vừa rút lại dâng cao trở lại một cách bất ngờ, trên báo động III, như tình trạng Quảng Trị đã vượt đỉnh lũ năm 1983, Quảng Bình vượt đỉnh lũ 2010. Đặc biệt, sự việc đoàn cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên Huế gặp nạn hôm 13-10 đã khiến không ít người bàng hoàng.

Sau nhiều ngày nỗ lực, các tổ công tác tìm kiếm đã tìm thấy được thi thể của 13 quân nhân, cán bộ tử nạn. Và trong khi nỗi đau chưa dứt, thì đêm 17-10, thêm một vụ sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 chiến sĩ thuộc Sư đoàn 337 đóng quân tại đây bị vùi trong đất đá. Cùng với đó, nhiều người dân đã chết, mất tích và bị thương vì lũ dữ.

Chính vào những thời điểm khó ngặt ấy, người ta mới thấm được câu nói của cha ông: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhiều ngày qua, tấm lòng của đồng bào cả nước đã và đang dành trọn cho miền Trung. Các đoàn công tác được liên tục cử đến những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai; những chuyến cứu trợ được những nghệ sĩ, doanh nhân trực tiếp thực hiện; nhiều hội nhóm từ thiện, các nhà hảo tâm đã liên tục chuyển nhu yếu phẩm cần thiết đến bà con vùng lũ.

Đặc biệt, rất nhiều Tăng Ni tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão, lũ chồng lũ là một trong những lực lượng dấn thân mạnh mẽ nhất. Họ chèo ghe, lội nước, ngâm mình nhiều giờ liền để chia sẻ những ổ bánh mì, nước uống, mì ăn liền, áo cứu hộ… đến với bà con trong khi nước còn ngập sâu. Nhiều ngôi chùa làng cũng chung cảnh lụt lội, nơi cao ráo nhất còn lại được sử dụng để bà con gửi gia súc, con trâu con bò - tài sản quý của người nông dân.

Với đạo Phật, từ bi - tình thương là nền tảng cho mọi ứng xử, không thể thiếu vắng trong đời sống hàng ngày. Từ bi không phải là điều để suy tưởng, mà như Đức Phật từng dạy, phẩm chất ấy phải được thể hiện thống nhất qua suy nghĩ, lời nói và việc làm mang lợi lạc cho tha nhân, giảm bớt nỗi khổ niềm đau của chúng hữu tình. Hành động với tinh thần đó được gọi là việc làm của các vị Bồ-tát.

Thiên tai ập đến, không ít người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không ít gia đình bỗng ly tán mãi mãi chỉ sau một đêm. Giữa khi tiếng khóc, tiếng kêu thương tâm của người dân vang vọng trong mênh mông nước bạc, những cánh tay nhân ái, những tấm lòng trượng nghĩa sẽ góp phần xoa dịu phần nào nỗi khổ trước mắt.

Sau thiên tai liên tiếp như vậy, chắc chắn đời sống dân sinh những tỉnh miền Trung sẽ gặp muôn vàn khó khăn hơn. Mong rằng tinh thần thương yêu, đùm bọc giữa người với người sẽ được nối tiếp bằng các chương trình hỗ trợ dân sinh, cũng như sự hỗ trợ y tế và khuyến học sẽ được thực hiện một cách căn bản, lâu dài, góp phần giúp người dân có thể nhanh chóng đứng dậy vững vàng sau tang thương, mất mát.

Diệu Nghiêm/ Báo Giác Ngộ

Bồ-tát Quán Âm đứng bên tay nào của Phật A Di Đà? Bồ-tát Quán Âm đứng bên tay nào của Phật A Di Đà?
"Bồ tát giữa đời"

/ giacngo.vn