Năm học đang chật vật trôi qua với những xoay sở cấp tốc của cả ngành giáo dục, 23 triệu học sinh và phụ huynh.

Năm học đang chật vật trôi qua với những xoay sở cấp tốc của cả ngành giáo dục, 23 triệu học sinh và phụ huynh.

Vào đúng giai đoạn thi cử, học hành gấp rút nhất, Covid-19 đột nhiên diễn biến rất xấu. Phụ huynh chúng tôi bảo, mùa thi giờ bị mùa Covid đè bẹp.

Virus lan đến địa phương nào, một trong những động thái đầu tiên là cho học sinh ở nhà. Điều đó là bắt buộc và hợp lý, bởi quá vô nghĩa khi trông đợi bọn trẻ sẽ đeo khẩu trang hay không giao tiếp gần trong suốt thời gian ở trường.

Thực tế, những trường xuất hiện ca F thì cũng có hàng loạt ca lây thứ cấp từ bạn học, và sau đó là người thân. Môi trường tập trung của nhà trường quá lý tưởng cho virus lây nhiễm. Các quốc gia trên toàn thế giới cũng không có cách nào ngoài đóng cửa trường học.

Theo số liệu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố ngày 3/3, trường học của hơn 168 triệu trẻ em thế giới đã đóng cửa hoàn toàn trong gần một năm do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Số học sinh tại Việt Nam ước tính khoảng 23 triệu, chưa tính bậc đại học.

Với trẻ em tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng, đây đã là lần dừng đến trường thứ ba vì lý do phòng dịch chỉ trong ba học kỳ. Lần thứ nhất được coi là kỳ nghỉ Tết dài kỷ lục vào đợt bùng phát dịch đầu năm 2020. Lần thứ hai được ví như kỳ nghỉ hè kỷ lục khi các trường phải lùi thời hạn khai giảng tháng 9/2020. Lần này, có lẽ tạm gọi là năm học ngắn kỷ lục.

Hẳn chúng ta chưa quên, tháng 3-4 năm 2020, đợt giãn cách xã hội đầu tiên trên quy mô toàn quốc, đã có những câu chuyện rất điển hình phản ánh khoảng cách hạ tầng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi, địa phương giàu và nghèo... Nhưng chỉ sau khoảng một học kỳ, những khó khăn ấy dường như được khắc phục. Trang chủ của Bộ Giáo dục dẫn báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cho biết, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, "kết quả giáo dục" của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Kết quả giáo dục của chúng ta lại đang đứng trước một bài thi mới ở năm Covid thứ hai. Bài toán khó giải hơn nhiều khi nguy cơ giãn cách trên diện rộng diễn ra đúng vào mùa thi nước rút.

Từ ngày 16/5 này, thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến hiệu lực. Theo đó, học sinh "có thể làm kiểm tra định kỳ trực tuyến vì lý do bất khả kháng". Động thái này rất kịp thời. Nếu được thực hiện ngay học kỳ này, thi online sẽ giảm áp lực rất lớn cho học sinh cũng như nhà trường - thậm chí có thể được coi là một cột mốc cải cách.

Tuy nhiên, các kỳ thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp phổ thông trung học lấy điểm tuyển sinh đại học sẽ không nằm trong thông tư 09. Nghĩa là, hàng triệu học sinh trong diện này sẽ phải chờ đợi thấp thỏm không kỳ hạn.

Đúng ngày Hà Nội phải cho học sinh ở nhà phòng dịch (4/5/2021), một số trường lẽ ra đã tổ chức thi học kỳ. Vấn đề ở chỗ, hệ thống tuyển sinh các cấp vẫn cần có điểm thi làm điều kiện đầu vào. Bởi vậy, các sở giáo dục hay thậm chí cơ quan quản lý hiện rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Bỏ kỳ thi thì chưa từng có tiền lệ, mà hoãn thì biết đến bao giờ?

Tôi đem câu hỏi đến một số phụ huynh có con học cuối cấp, tất cả đều thở dài. Chúng tôi, cũng như bọn trẻ và các thầy cô giáo, đều mong "nhanh gọn cho xong". Nhưng chỉ duy nhất một phụ huynh cười thoải mái với "sự cố" này, vì vị ấy đã chuyển con sang trường quốc tế. Cậu bé cười sung sướng "cháu không phải thi chuyển cấp, mà kỳ thi học kỳ này cũng không quan trọng nữa". Con tôi - năm nay lên cấp hai - chặc lưỡi liên tục khi nghe bạn tâm sự thế.

Là phụ huynh, chúng tôi không thể dự đoán các kịch bản của ngành Giáo dục trong lúc này, nhưng chúng tôi mong lãnh đạo ngành hiểu rằng tâm thế chờ đợi một kỳ thi không hề dễ chịu. Mà nhất là sự chờ đợi ấy vô thời hạn.

Ai đó nói, đây là mùa thi nan giải nhất từ xưa tới nay về công tác tổ chức, thì hãy nhớ những năm tháng miền Bắc sơ tán khi đất nước có chiến tranh. Những cuộc kiểm tra, những kỳ thi vẫn tiến hành nghiêm túc, hoặc gác lại với một chất lượng đào tạo tuyệt vời từ tinh thần vượt khó.

Chúng ta vẫn nói với con em rằng việc cố gắng học tập là vì chính tương lai của bản thân chúng. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn tin vào chúng, lấy học sinh làm chủ thể trong năm học đầy biến động này?

Sẽ ra sao nếu cho phép thầy và trò thi học kỳ online? Tôi mới nhận được tin nhắn, học sinh một trường ở Vĩnh Phúc phải làm 11 bài thi học kỳ trong ngày hôm qua. Còn kỳ thi trung học phổ thông của học trò lớp 12, nếu dời lại cũng không có gì nghiêm trọng.

Nếu có giải pháp mới cho các kỳ thi tập trung, 3/4 học sinh và các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ giảm được áp lực cực lớn. Việc xét đúng tuyến vào các trường nhờ đó được làm triệt để hơn. Quang cảnh xếp hàng chen nhau nộp hồ sơ cho con vào trường điểm, biết đâu lại có cơ hội xóa sổ vào lúc này?

Dường như một lộ trình cho thay đổi này đã được hoạch định từ năm 2020. Cụ thể, vào quý II/2021, Bộ Giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành thông tư và ban hành quy định về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Tới quý IV/2021, mục tiêu tiếp tục là "hoàn thành thông tư quy định việc công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học trực tuyến, học trên truyền hình".

Covid-19 còn quái ác. Để chống lại, sao chúng ta không giành thế chủ động, và ngành Giáo dục có thể tiên phong làm điều đó? Ai sẽ và dám quyết việc này?

Gia Hiền

21 tỉnh, thành điều chỉnh lịch học 21 tỉnh, thành điều chỉnh lịch học

Từ ngày 7/5, Hà Tĩnh, Phú Thọ cho trẻ mầm non nghỉ học, các trường phổ thông đã hoàn thành kiểm tra học kỳ II ...

/ vnexpress.net