Người hành đạo Bồ-tát nói riêng, Phật tử nói chung đều sống theo tinh thần từ bi[1], đều lấy từ bi làm động lực chính cho sự tu tập. Để nuôi lớn lòng thương cả người và vật, được xem như một đức tính căn bản của đạo giải thoát[2], Đức Phật đề ra pháp môn bố thí độ, là độ thứ nhất trong sáu độ. Thực hành bố thí này, hành giả đạt được hai điều lợi ich: một là dẹp được lòng tham lam hẹp hòi ích kỷ, hai là phát triển đức từ bi vị tha. Khi làm việc bố thí, sẽ có một tấm lòng rộng mở, một niềm sung sướng, không những người cho cảm thấy hạnh phúc mà người nhận cũng dập tắt được nỗi khổ thiếu thốn, từ đó phát khởi sự an vui.

bo thi do Nghiệp báo
bo thi do Bố thí máu

Nhưng bố thí ở đây không phải là sự ban ơn vì lòng trắc ẩn hay cho hôm nay để thu lại ngày mai, mà là sự bố thí hoàn toàn tự nhiên. Nghĩa là người bố thí không chấp mình bố thí, không so đo tính toán về vật thí và không phân biệt người được bố thí thân hay sơ. Với tinh thần đó Bồ-tát dùng những vật gì để bố thí? Cách bố thí như thế nào? Và bố thí có lợi ích ra sao?

Bố thí là cho, là giúp đỡ, là trao tặng. Nghĩa là đem những tư hữu của mình hoặc vật chất hoặc tinh thần ban bố cho tất cả chúng sanh. Độ là dịch từ chữ Phạn paramita. Phiên âm là ba-la-mật. Dịch là đáo bỉ ngạn hay độ, nghĩa là bờ bên kia. Bờ bên kia chỉ bờ giải thoát, bờ giác ngộ, bờ niết-bàn. Vậy bố thí độ giúp mình từ bờ ràng buộc mê muội qua bờ giải thoát giác ngộ. Người bố thí có tấm lòng quảng đại không bị ngã chấp[3] ràng buộc. Bố thí ở đây không hạn cuộc ở người hay vật, thân hay sơ. Khi thấy một chúng sanh thiếu thốn những nhu cầu chánh đáng cho thân tâm, mà mình có điều kiện thì sẵn sàng giúp đỡ mà không bao giờ luyến tiếc.

Bố thí độ gồm có tì thí, pháp thí và vô úy thí.

- Tài thí là bố thí bằng cách đem vật thực, tiền bạc, của cải, thân mạng ra cho. Tài thí có hai loại:

* Nội tài: Là hân xác tinh thần, khả năng, hiểu biết, mạng sống. Thí nội tài là đem những gì mình có thuộc về thân mạng ra giúp, bố thí cho kẻ khác Ví dụ khi Đức Phật Thích-ca ở một kiếp trước làm thái tử Maha Satva bố thí thân mình cho cọp đói.

*Ngoại tài: Là tất cả tài vật, tiền của, nhà cửa, quốc thành… đem những vật này ra cho gọi là thí ngoại tài.

- Pháp thí là đem giáo pháp của Phật ra chỉ dạy cho người tu tập gọi là khẩu giáo, hoặc giữ gìn giới luật, làm khuôn mẫu cho người bắt chước, khiến họ cải tà quy chánh, làm lành lánh dữ là thân giáo. Pháp thí có giá trị hơn tài thí rất nhiều. Không những người nghèo được hưởng mà người giàu cũng cần, không những ảnh hưởng tốt trong đời này mà còn tạo nhân lành cho nhiều đời kế tiếp.

- Vô úy thí là làm cho người khác hết sợ. Có hai cách: Một là dùng lời lẽ giải thích, khuyên bảo người đang đau buồn lo sợ, hai là dùng phương tiện quyền xảo cứu giúp người đang đau buồn lo sợ, hai là dùng phương tiện quyền xảo cứu giúp người đang bị áp bức khủng bố. Muốn thực hành pháp bố thí này hành giả phải luyện cho mình đức tính vô úy[4]. Có như thế đến đâu cũng có thể giúp người khác vững tâm bình tĩnh, tự tại.

Bố thí độ đi chung với tấm lòng trong sạch, với tâm từ bi bình đẳng[5]. Bồ-tát thấy thân mạng, của cải là vô thường, nên khi cho những phân biệt thân sơ bỉ thử. Khi tính vị kỷ và cái ngã vắng mặt thì Bồ-tát bố thí một cách tự nhiên như ăn cơm mặc áo. Bấy giờ kẻ cho, người nhận và vật cho hoàn toàn vắng lặng, gọi là tam luân không tịch.

Bố thí độ có lợi ích và công đức rất lớn. Khi đem của cải cho người, Bồ-tát có dịp mở rộng lòng thương, dẹp bỏ tánh ích kỷ, bỏn xẻn tham lam. Khi đem pháp lành ban bố cho mọi người là cơ hội để Bồ-tát có dịp trui rèn đức tính vô úy, bình tĩnh và lợi tha rốt ráo. Khi cho mà không phân biệt thân sơ thì chiến thắng được lòng sân hận và nuôi lớn tính bình đẳng… Do Bồ-tát thuận theo tâm linh vô biên mà bố thí, nên dù của cho rất nhỏ cũng được phước đức vô lượng.

Bố thí độ có công năng giúp người hết khổ, giúp người giải thoát. Dù tình thương bao la, nhưng khi bố thí, Bồ-tát không nhắm mắt cho càn, mà thấy rõ kết quả cuối cùng của việc bố thí. Do đó nếu biết người lợi dụng lòng tốt để ăn chơi, lười biếng, lừa đảo… thì Bồ-tát sẵn sàng từ chối. Bởi vì giúp người trong những trường hợp này có hại cho họ và đi ngược lại mục đích của sự bố thí. Đặt lòng quảng đại trong một hành động sai lầm không những người cho không có đức mà người nhận cũng không được lợi ích thực sự. Do vậy trong khi bố thí phải hội đủ hai yếu tố từ bi và trí tuệ.

Tóm lại Bồ-tát vì người mà bố thí. Trong khi bố thí các vị không rời bản tánh chân như[6] nên không thấy mình bố thí, thật có người nhận thí, thật có của thí, thật có quả báo của sự bố thí, nên bố thí độ khác với sự bố thí thông thường. Bố thí ở đây là cơ hội để thực hiện hạnh lành một cách viên mãn. Do đó sẵn sàng phục vụ kẻ khác một cách vui vẻ, khiêm tốn vô vụ lợi. Bố thí như thế không có điều kiện, không bị vướng mắc, nên vừa độ người vừa độ mình. Bố thí với tinh thần đó mới gọi là bố thí độ, nghĩa là nhờ bố thí mà vượt được dòng sanh từ đến bờ niết bàn. Vậy Phật tử chúng ta nên phát tâm hành hạnh bố thí độ, trên cầu quả Phật, dưới cứu độ chúng sanh.

--------------------------------------


[1] Từ bi: Thương yêu chúng sanh. Đem lại cho họ niềm an lạc sung sướng gọi là từ (từ năng dữ lạc). Đồng cảm nỗi khổ của chúng sanh và trừ bỏ nỗi khổ đó gọi là bi (bi năng bat khổ). Đây là hai trong bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả.

[2] Đạo giải thoát: Đạo Phật được gọi là đạo giải thoát vì giúp loài hữu tình xuất ly khổ hải, cởi bỏ tất cả hệ lụy, triền phược, phiền não mà được tự tại.

[3] Ngã chấp: Chấp chặt vào cái ta, với nhận thức có thân mình, còn gọi là nhân chấp, nghĩa là chấp có con người của mình. Duy thức thuật ký nói: “Phiền não khổ chướng có rất nhiều thứ, nguồn gooscs của chúng là sự chấp trước vào cái ta”.

[4] Vô úy: Không sợ hãi, còn gọi là vô sở úy.

[5] Bình đẳng: Không có ý phân biệt cao thấp, sâu cạn, hơn kém… bình đẳng đối nghĩa với sai biệt.

[6] Chân như: Chân có nghĩa là chân thật. Như có nghĩa là như thường. Bản tính của các pháp xa lìa hư vọng, thường trụ, không biến đổi, gọi là bản tính chân như.

/ Sách 30 bài pháp cho người tại gia