“Có kết quả thi tốt nghiệp rồi, nhưng chỉ hơn 20% đậu thôi”. Thông tin làm chúng tôi bàng hoàng trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 1988. Điểm chuẩn sau đó đã phải hạ xuống còn 17 cho bốn môn thi để có đủ học sinh vào lớp 10.
Kỳ thi nghiêm túc năm đó có lẽ đã phản ánh đúng chất lượng của hệ thống giáo dục lúc đó, nhưng đã tạo ra một cú sốc cho toàn xã hội. Có ít nhất ba nhân tố tạo ra kết quả này. Thứ nhất, lần đầu tổ chức nên các bên liên quan chưa kịp điều chỉnh hành vi. Thứ hai, giáo viên của các trường đã được điều đi nơi khác coi thi nên họ làm chặt vì nếu không sẽ hại học sinh của trường mình. Thứ ba, đề thi có thể quá khó.
Cải cách đó đã đứt gánh giữa đường và tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông lại gần như tuyệt đối cho đến ngày nay. Cá nhân tôi cùng nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đã trở thành vật thí nghiệm trong hệ thống giáo dục mà phần nhiều cách tư duy trong đó đã cố gắng "phát minh lại" cái bánh xe với bao hậu quả hết sức tai hại.
Một trong các "bánh xe" là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tập trung mà điểm số của nó được dùng để xét tuyển đại học. Cách tổ chức kỳ thi tại chỗ, nhất là dự kiến gần như khoán trắng cho địa phương năm nay được phản ánh đúng câu than trời "ai cho tôi lương thiện?" của nhân vật Chí Phèo. Cơ chế vận hành của nó giống như câu chuyện tôm hùm dưới đây.
Một nhóm sinh viên có khẩu vị giống nhau, ngày đầu đến trường cùng đi ăn nhà hàng với hai lựa chọn: pizza 50.000 đồng và tôm hùm một triệu đồng. Điều kiện của bữa ăn là dù bất kỳ ai chọn ăn gì, hóa đơn sau đó sẽ được cộng tổng lại và chia đều. Với ngân sách ít ỏi thì lựa chọn hợp lý của từng người và tốt nhất cho cả xã hội là pizza. Tuy nhiên, do đã thống nhất phương án hóa đơn chia đều nên tất cả đều chọn tôm hùm. Ai cũng sợ, nếu ăn pizza sẽ bị thiệt.
Mỗi trường, mỗi địa phương đều có quyền đưa ra giả định rằng nếu mình tổ chức kỳ thi nghiêm túc, không gian lận thì học sinh của mình sẽ chịu thiệt khi các trường hay địa phương khác lỏng lẻo và gian lận. Chúng ta rất dễ đoán lựa chọn hợp lý của từng địa phương sẽ là gì.
Có thể hạn chế gian lận bằng việc cử người từ nơi khác đến coi thi và tổ chức chấm thi tập trung cùng với việc kiểm tra giám sát như đang làm. Tuy nhiên, việc này vẫn còn rất nhiều kẽ hở, đặc biệt là ở những nơi xa xôi, lực lượng tăng cường mỏng như thực tế đã xảy ra trong thời gian qua. Những vụ việc tiêu cực ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã được phát hiện có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Rất có thể còn nhiều người trong đống rơm chưa bị lộ.
Với cách tổ chức như hiện tại, các trường cũng như các địa phương sẽ có động cơ để học sinh của mình có điểm tốt nhất chứ không phải kỳ thi nghiêm túc và chất lượng. Người được Bộ Giáo dục cử xuống xem thi và giám sát vẫn là người bình thường và hàng chục nghìn điểm thi làm sao tránh khỏi điều này điều kia? Khi trò chơi lặp lại, các địa phương có thừa cách và động cơ để vô hiệu việc kiểm tra giám sát.
Rất đáng quan ngại nếu kỳ thi tốt nghiệp dự kiến năm nay sẽ gần như khoán trắng cho các địa phương và Bộ chỉ cử các đoàn thanh tranh, giám sát. Với quyền lực trao tay và tư duy nơi nào làm nghiêm túc sẽ chịu thiệt nên kết quả là dễ đoán. Hơn thế, cái cớ "giãn cách Covid" sẽ làm cho việc kiểm tra giám sát lơi lỏng hơn, dẫn đến gian lận có thể tràn lan và trở thành một thảm họa cho ngành giáo dục Việt Nam.
Ngay cả khi không có Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã nên được xem xét hủy bỏ vì những vấn đề nêu trên, trong khi xét về phương diện để "tốt nghiệp" thì gần như ý nghĩa của nó là không đáng kể. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, ít người có đủ can đảm để đưa ra quyết định.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, rủi ro lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn, việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, cho các trường được dùng kết quả học tập cả quá trình của học sinh để xét tuyển là lựa chọn hợp lý. Hiện tượng gian lận hoặc cho điểm rất cao của các trường sẽ không xảy ra cho năm nay vì việc học đã kết thúc. Trong các năm tiếp theo, việc tổ chức khảo thí độc lập sẽ giải quyết được vấn đề các trường sẽ cho điểm học sinh rất cao trong quá trình học để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh của mình. Nếu chỉ lấy kết quả quá trình học, có thể sẽ tạo ra cuộc đua và lạm phát về điểm số. Do vậy, khảo thí độc lập là chìa khóa để giải quyết trục trặc hiện nay.
Ngay từ đây giờ, Việt Nam có thể triển khai ngay việc khảo thí độc lập theo mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm như thi SAT của Mỹ chẳng hạn. Mô hình hiệu quả đã sẵn có, chúng ta nên tận dụng, không cần tìm cách phát minh nữa. Các trung tâm khảo thí sẽ tổ chức việc đánh giá thường xuyên nên áp lực thi cử tập trung cũng sẽ không còn. Trong trường hợp việc tổ chức khảo thí độc lập chưa thể thực hiện trong một vài năm tới, ta có thể lựa chọn phương án bắc cầu là cho phép các trường có thể tổ chức thi tuyển sinh như trước đây đã làm cho đến khi có kết quả của khảo thí độc lập.
Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp năm nay có thể trở thành một mũi tên bắn trúng hai đích. Nó vừa góp phần bảo toàn được kết quả chống dịch, sức khỏe nhân dân, vừa giải quyết được vấn đề hết sức nhức nhối và dai dẳng của nền giáo dục và xã hội. Quả là cơ hội vàng đối với những người được quyền ra quyết định.
Huỳnh Thế Du
Có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020? Nhiều ý kiến cho rằng, không nên hủy kỳ thi này bởi sẽ không công bằng với thí sinh ở những vùng chưa xuất hiện ... |
Bỏ thi tốt nghiệp THPT, sẽ “tháo khoán” trong dạy học? Từ vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang và một số địa phương khác, có nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ kì ... |