Giáo viên mất hơn 2 triệu đồng học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên để đổi lại những kiến thức "rất cũ", "đã được học trong trường sư phạm". Thời lượng học thì bị cắt xén đến mức tối đa, bài thu hoạch để đạt chứng chỉ cũng được các "cò" làm hộ, miễn sao đóng đủ tiền.

 

"Cấp tốc"

Ở bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh về kỳ thi chứng chỉ gian lận diễn ra tại đại học Khoa học Thái Nguyên với hàng trăm thí sinh đến từ các tỉnh vùng cao như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hoà Bình... diễn ra ngày 29.9. 

Sau buổi thi chứng chỉ gian lận này, giáo viên dẫn chúng tôi đến Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm - Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên (có địa chỉ tại số 01, đường Lê Quý Đôn, thành phố Thái Nguyên) đăng ký học nốt loại chứng chỉ thứ 3 để xét thăng hạng - chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được cấp chứng chỉ này, giáo viên phải học 10 chuyên đề (240 tiết) gồm những kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp. Cuối cùng, giáo viên phải tìm hiểu thực tế và thi chứng chỉ (viết bài thu hoạch). Tuy nhiên, ở Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm của Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên lại mở lớp bồi dưỡng theo kiểu “cấp tốc”, cắt xén thời lượng học. 

Tìm hiểu của phóng viên Lao Động, lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non từ hạng IV lên hạng III được Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm khai giảng vào ngày 29.9, do giảng viên Khoa Giáo dục mầm non của Đại học sư phạm Thái Nguyên trực tiếp giảng dạy.

Ngày 5.10, tức là một tuần sau khi khoá học khai giảng, chúng tôi theo chân giáo viên đến Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm thuộc Đại học Sư phạm Thái Nguyên để đăng ký khoá học chứng chỉ này.

"Khoá học này kéo dài trong bao lâu?", giáo viên hỏi.

"Khoá học bắt đầu từ ngày 29.9, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ kéo dài trong 2 tháng, tức là đến 29.11 sẽ kết thúc. Nhưng trên thực tế chỉ học trong 3 tuần là xong. Nhưng vẫn phải đợi đến sau ngày 29.11 mới được cấp chứng chỉ chính thức", vị cán bộ trả lời.

Khi giáo viên hỏi tại sao đóng tiền 2,3 triệu rồi nhưng không có hoá đơn thu thì vị cán bộ cho biết: "Bao giờ cấp chứng chỉ sẽ trả cả hoá đơn thu tiền sau".

 Để tiết học đỡ nhàm chán, giảng viên đề nghị học viên đứng lên... hát cho "có không khí".

Ghi nhận của phóng viên tại các buổi học sau đó, dù giảng viên và giáo vụ liên tục nhắc học viên phải đi học đầy đủ, nhưng chính họ lại dạy học viên cách “ký khống” danh sách điểm danh để hợp thức hóa số buổi học theo yêu cầu.

Cụ thể, vào chủ nhật ngày 6.10 và 13.10, sau khi kết thúc tiết học buổi sáng, học viên sẽ được hướng dẫn để ký luôn tờ danh sách điểm danh buổi chiều, nhưng sau đó cô cho cả lớp nghỉ.

Đặc biệt, dù lớp học này khai giảng từ ngày 29.9, nhưng chúng tôi chứng kiến có nhiều trường hợp giáo viên đến đăng ký học chen ngang và vẫn được tiếp nhận vào học, miễn sao đóng đủ số tiền học phí 2,3 triệu đồng.

Theo thừa nhận của nhiều giáo viên, phần lớn nội dung các chuyên đề ở lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đã được học trong trường sư phạm, bồi dưỡng thường xuyên; người dạy “cưỡi ngựa xem hoa”, người học “có mặt cho đủ", mong sao lấy được chứng chỉ chứ không phải đi học để lấy kiến thức.

"Cò" làm hộ luôn bài thu hoạch

Sau khi kết thúc buổi học cuối cùng của khoá học này vào ngày 13.10 (cả khoá học là 5 buổi cuối tuần), các học viên được yêu cầu phải làm một bài thu hoạch cuối khoá. "Cò" chứng chỉ gọi ngay cho các giáo viên báo: "Khỏi phải làm bài thu hoạch. Anh làm luôn rồi gửi cho. Đến ngày là có chứng chỉ gửi về tận tay".

 Một chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp được cấp bởi Đại học sư phạm Thái Nguyên.

Chứng kiến toàn bộ quá trình học này, cô Hương (48 tuổi, Bắc Kạn) than với chúng tôi: 

“Nếu các vị lãnh đạo đặt mình vào vị trí của giáo viên sẽ thấy những tấm chứng chỉ kia chưa xứng đáng để phải đánh đổi bằng mồ hôi, tiền bạc và nhiều công sức đến như vậy”.

Theo phản ánh của giáo viên, không chỉ ở Thái Nguyên, tình trạng học chứng chỉ thăng hạng chức danh nghề nghiệp kiểu "cho có" như vậy cũng tồn tại ở không ít các địa phương khác. Trong khi giáo viên phải bỏ nhiều tiền của, thời gian để có chứng chỉ thì hiệu quả về mặt kiến thức nghiệp vụ gần như là bằng không. Đây có phải là sự lãng phí vô cùng lớn? 

Xử lý nghiêm việc tổ chức gian lận thi chứng chỉ, “làm tiền” giáo viên
Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận
VinFast đạt chứng chỉ an toàn ASEAN NCAP

/ laodong.vn