Ngày 19/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ sẽ trực tiếp kiểm tra dự trữ xăng dầu tại TP.HCM.
- Bảo đảm chi phí lưu thông trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
- 8h30 sáng nay 12/10, Bộ Công Thương họp với các DN đầu mối xăng dầu
Ngày 11/10, Bộ Công Thương có công văn gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo kế hoạch của đoàn công tác của Bộ làm việc với các đơn vị bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.
Xe bồn tiếp xăng cho một cây xăng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM.
Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị kinh doanh xăng dầu và trực tiếp bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia rà soát thực trạng hệ thống kho, bể chứa và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia để tổng hợp hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu trình Thủ tướng.
Theo kế hoạch, sáng 19/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - TP.HCM thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II.
Đoàn công tác sẽ khảo sát hiện trạng kho, bể chứa của doanh nghiệp và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia hiện nay; việc chấp hành các quy định của Nhà nước với công tác dự trữ xăng dầu quốc gia.
Định hướng phát triển kinh doanh, phát triển hệ thống kho, bể chứa của doanh nghiệp cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho Nhà nước thuê kho trong thời gian tới.
Đồng thời, đoàn cũng sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của doanh nghiệp trong công tác bảo quản hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.
Liên quan đến thị trường xăng dầu, sáng nay 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.
Trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Theo thông tin Bộ Công Thương gửi đến các cơ quan báo chí ngày 10/10, Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó nhiều địa phương như TP.HCM, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Bộ Công Thương còn tích cực phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Giá xăng tăng gần 600 đồng/lít
Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước từ 15h hôm nay, theo đó tất cả các mặt hàng đều tăng giá.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 560 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.292 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 564 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.007 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.979 đồng/lít, bán ra không cao hơn 24.187 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.132 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.820 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên giá 14.094 đồng/kg.
Ở kỳ này, nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Đồng thời, liên bộ chi quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi đối với các loại xăng dầu khác.
https://vtc.vn/bo-truong-cong-thuong-se-truc-tiep-kiem-tra-du-tru-xang-dau-tai-tp-hcm-ar706711.html