Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hoàn toàn nhất trí với đề xuất tăng lương cho giáo viên và cho rằng giáo viên phải được hưởng mức lương cao nhất.
Sáng 19/3, tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương cho giáo viên.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng giải thích lý do đề xuất tăng lương cho giáo viên hiện đang bị chậm xem xét là do tồn tại một số vướng mắc trong rà soát về văn bản.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng Tư pháp trả lời rõ việc tại sao đề xuất tăng lương cho giáo viên đến phút cuối lại không được đưa vào dự thảo của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Thị Minh, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, đề xuất tăng lương và phụ cấp cho giáo viên trong dự án dự thảo Luật Giáo dục vừa qua là chưa được đưa vào chứ không phải là bác bỏ.
Ông Lê Thành Long khẳng định hoàn toàn nhất trí với đề xuất tăng lương cho giáo viên và cho rằng giáo viên phải được hưởng mức lương cao nhất.
“Chúng tôi thống nhất và ủng hộ quan điểm là trong hệ thống giáo dục, thầy cô giáo cần phải được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Cái này là hoàn toàn phù hợp, không có gì thắc mắc cả.
Thầy giáo là nghề cao cả, là người dạy dỗ để cho cho con em chúng ta trưởng thành trong tương lai, thành chủ nhân đất nước, vậy không có lý do gì để từ chối tăng lương cả”, Bộ trưởng Tư pháp nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, vấn đề đề xuất tăng lương cho giáo viên không được đưa vào dự thảo dự án Luật Giáo dục để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều đại biểu cũng như dư luận đã phần nào cho thấy tính cấp thiết của vấn đề này.
Về lý do đề xuất này bị chậm, Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa đề xuất tăng lương vào trong dự thảo Luật Giáo dục hơi muộn nên Bộ Tư pháp chưa kịp xem xét, rà soát kỹ.
Thêm vào đó, hiện nay Phó Thủ tướng Vương đình Huệ đang chuẩn bị xây dựng đề án về cải cách chế độ tiền lương cũng như các chế độ khác nên Bộ Tư pháp đang phải rà soát lại tất cả các văn bản, quy định của Chính phủ liên quan đến tiền lương, phụ cấp.
Khi chúng tôi rà soát lại thì thấy riêng giáo viên, ngoài quy định về tiền lương lại có phụ cấp nói chung có trong rất nhiều các quy định liên quan đến khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác, từ luật rồi đến nghị định của Chính phủ.
Nên sau khi rà soát xong, cần phải thống nhất lại trong văn bản cụ thể, không thể để dàn trải như hiện nay”.
“Đây cũng là điều mà cá nhân tôi cũng như anh em ở Bộ Tư pháp phải nói là rất băn khoăn và áy náy không chỉ với Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn với cả các thầy cô giáo, nhưng vì nó vấp đến nhiều vấn đề về văn bản pháp luật chồng chéo”, Bộ trưởng Tư pháp nói.
Theo ông Lê Thành Long, nếu bây giờ chờ đợi Bộ Tư pháp rà soát lại toàn bộ văn bản để ban hành văn bản thống nhất thì khi đưa đề xuất tăng lương cho giáo viên vào dự án dự thảo Luật Giáo dục sẽ bị chậm khi trình lên Quốc hội, như vậy thời gian sẽ bị kéo dài.
Bởi vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất do đây là vấn đề cần thiết và hợp lý nên đối với đề xuất tăng lương cho giáo viên, Chính phủ nên chủ động đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc và đưa ra quyết định ngay lập tức, xem như là một ngoại lệ đối với ngành giáo dục.
Trước đó, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS mà trước đó đã đưa ra. Hai đề xuất này trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trong văn bản góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã có ý kiến về những vấn đề này. Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, theo Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, có nội dung “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Trong khi đó, đại diện Bộ Nội vụ cho biết đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hệ thống thang bảng lương, phụ cấp đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực.
Đề xuất tăng lương giáo viên bị từ chối: “Đáng tiếc” nhưng không bất ngờ Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt ... |
Tuyển sinh ngành sư phạm: Vẫn loay hoay, trăm bề khó Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, bài toán tìm đầu ra cho sinh viên sư phạm vẫn đang loay hoay, lùm ... |
Bỏ tăng lương cho giáo viên: Ngành giáo dục có mất nhân tài? Việc bác bỏ tăng lương cho giáo viên có thể khiến người giỏi không hứng thú đến những vùng khó khăn và không đăng ký ... |