GS-TS Đỗ Quang Hưng – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đề xuất, để hạn chế việc người dân đốt vàng mã một cách lãng phí, cần đánh thuế ở mức thật cao với mảng kinh doanh và sản xuất mặt hàng này.
Lò đốt vàng mã đỏ lửa ngày rằm tháng Giêng. Ảnh: Cường Ngô
Con người làm biến tướng tục đốt vàng mã
Nội dung đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các chùa trong công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi đốt vàng mã đã trở thành một thói quen trong việc thực hành tín ngưỡng tâm linh của người Việt từ nhiều đời, dù bị lên án là lãng phí, làm ô nhiễm môi trường.
Đánh giá về chủ trương của Giáo hội Phật giáo VN, GS-TS Đỗ Quang Hưng cho rằng, đây là một quyết định “dũng cảm”, còn mức độ thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân.
Với kinh nghiệm nghiên cứu về tôn giáo, văn hóa, GS Hưng cũng khẳng định, việc đốt vàng mã khi mới ra đời là một việc làm rất tiến bộ, mang ý nghĩa tốt đẹp.
“Bản thân việc đốt vàng mã là việc đốt hình nhân thế mạng thay người thật trong các tôn giáo của phương Tây, phương Đông trước đây. Khi nhà Hán của Trung Quốc nghĩ ra việc này, nó mang ý nghĩa thay cho việc hiến sinh người thật để tế thần. Như vậy là rất tiến bộ, văn minh. Chỉ đến khi đời sống con người khá lên thì lại làm nó bị biến tướng, biến nó trở thành phương tiện để xin xỏ thánh thần”- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo khẳng định.
Cần đánh thuế cao với mặt hàng vàng mã
Hiện nay, mảng kinh doanh vàng mã mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhiều doanh nghiệp. Có công ty thu về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Việc sản xuất các mặt hàng vàng mã cũng đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân tại nhiều làng nghề khắp trong Nam ngoài Bắc.
Trong trường hợp, quy định hạn chế đốt vàng mã trong các chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có kết quả, người dân thay đổi dần thói quen, cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người lâu nay coi việc làm vàng mã là “nghề kiếm cơm”.
Nhận định về điều này, GS-TS Đỗ Quang Hưng cho rằng khi nhu cầu cúng lễ, đốt vàng mã của người dân quá lớn, việc hình thành các làng nghề sản xuất mặt hàng này là tất yếu. Nhưng đứng về phương diện xã hội, việc điều chỉnh một ngành nghề là điều hết sức bình thường. Trước đây có những làng nghề sản xuất pháo, nhưng khi Nhà nước có chủ trương cấm đốt pháo, người dân cũng đã thay đổi mô hình sản xuất.
“Có chùa không đốt vàng mã đã tiết kiệm hàng tỉ đồng để ủng hộ cho người nghèo. Nếu tất cả các cơ sở thờ tự cũng làm được như vậy thì mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được số tiền rất lớn.
Tuy nhiên việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng vàng mã ở nước ta hiện nay chưa được siết nghiêm. Bây giờ mấy ai mua được bó hương, hay đồ vàng mã tốt như trước đây, vì sản xuất tràn lan, không chú trọng chất lượng, đã thế còn làm ô nhiễm môi trường. Rồi đi buôn vàng mã bỏ một vốn kiếm mười lời thì ai chả ham. Theo tôi, ngoài việc tuyên truyền, Nhà nước phải đánh thuế thật cao mặt hàng này, cần phải đánh vào kinh tế để người dân thay đổi thói quen đốt vàng mã”- GS-TS Đỗ Quang Hưng kiến nghị.
Xếp hàng chờ đến lượt hóa vàng ở phủ Tây Hồ ngày Rằm tháng Giêng Mặc dù đốt vàng mã trái với triết lý nhà Phật, thế nhưng tại một số đền chùa, phủ ở Hà Nội vẫn có nhiều ... |
Tục đốt vàng mã: Hô bỏ là bỏ được sao? Dù thế nào, đốt vàng mã cũng là tập tục, cũng là vấn đề về văn hóa, tâm linh. |
Tiền vẫn tan theo khói vàng mã Đến rằm tháng giêng, người dân tại nhiều nơi lại ùn ùn đốt vàng mã. Tiền tan theo khói và nguy cơ hỏa hoạn luôn ... |