Bộ VHTTDL đã cử Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lên Hà Giang để nắm rõ tình hình và sớm công bố kết kết quả rộng rãi.
Liên quan tới thư kiến nghị gửi Thủ tướng về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương người H’Mông tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn của ông Vương Duy Bảo (cháu nội của ông Vương Chí Sình), ngày 16/8 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị trước ngày 31/8.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VHTTDL cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên về Hà Giang để nắm tình hình một cách cụ thể. Khi có kết quả, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cũng như công bố rộng rãi để dư luận quan tâm được biết.
Dinh thự họ Vương hiện nay vẫn là điểm du lịch đáng chú ý tại Hà Giang.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đình Thành, Cục Phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết về nguyên tắc, khi Nhà nước công nhận Di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc buộc chủ sở hữu phải quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất.
“Đây là tài sản của con người, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Luật Di sản văn hóa chỉ quy định những điều cần thiết bảo vệ di sản một cách tốt nhất chứ không quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất”, ông Thành nói.
Ngày 21/8, tỉnh Hà Giang đã họp và đang xúc tiến kiểm tra lại hồ sơ, hiện trạng để hoàn thành báo cáo trước ngày 31/8 những vấn đề xung quanh kiến nghị về di tích dinh thự họ Vương.
Trước đó, trong đơn kiến nghị của ông Vương Duy Bảo có nói rõ: Tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.
Tuy nhiên, đến năm 2002 gia đình họ Vương mới biết quyết định này, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng.
Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thời kỳ đó.
Hàng ngày, các thế hệ của dòng họ Vương vẫn vui đùa quanh dinh thự.
Tháng 3/2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó là ông Phạm Quang Nghị đã ra văn bản khẳng định quyết định công nhận di tích của Bộ không phải là quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.
Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Tháng 6/2018, ông Vương Duy Bảo đại diện cho con cháu dòng họ có đơn gửi Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đề nghị làm rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với Khu di tích dinh thự họ Vương.
Sau đó Bộ VHTTDL đã chuyển đơn này đến tỉnh Hà Giang và Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Giang đề nghị trả lời. Tháng 7/2018 Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Giang có văn bản xác nhận khu dinh thự họ Vương đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn. Đồng thời Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.
Ông Vương Duy Bảo cho rằng, tỉnh Hà Giang lấy quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật. “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay”, ông Bảo khẳng định.
Tòa dinh thự của họ Vương người H’Mông là địa danh du lịch nổi tiếng tại Hà Giang, nằm trên địa phận xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn. Tòa dinh thự còn được người dân quen gọi là nhà cổ của vua Mèo Hà Giang. Được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1993, dinh thự có diện tích rộng gần 3.000m2 và tương truyền kinh phí xây dựng lên đến 15 vạn đồng bạc Đông Dương (tương đương với 150 tỷ đồng hiện nay).
Hiện nay, dinh thự vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước, nước ngoài khi lên cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài yếu tố đặc biệt về kiến trúc cổ bề thế giữa vùng núi heo hút và dấu ấn lịch sử, dinh thự còn gây nhiều tò mò bởi các câu chuyện ít người biết về dòng họ nổi tiếng của người H’Mông này.
Tình Lê
Choáng ngợp biệt phủ 150 tỷ rộng hàng ngàn m2 của Vua Mèo Dinh thự rộng hơn 1.000m2, tọa lạc trên thế đất hình mai rùa và được định giá lên tới 150 tỷ đồng. |
Cuộc đời Vua Mèo và dinh thự xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe Tòa dinh thự vua Mèo được xây dựng trên quả đồi hình con rùa, xung quanh có núi bao bọc, được xem là mảnh đất ... |
Cháu nội vua Mèo kêu cứu vì bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự Ông Vương Duy Bảo đề nghị Thủ tướng giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương ... |
Đến Hà Giang lạc lối giữa biển tam giác mạch, vấn vương nơi chợ tình Khâu Vai Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, bạn đừng quên dừng chân đến những địa điểm này để sống ảo nhé! |