Bộ Xây dựng vừa đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Ngày 28/10, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị, gửi Thủ tướng về gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định.
Trong đó, 14.000 tỷ đồng được bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng cho nhà ở xã hội. |
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung 1.000 tỷ đồng, vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh việc đề xuất gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng đề nghị, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê.
Hành động này phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc.
Trường hợp khu công nghiệp (KCN) có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ - thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết thì giao Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để cho thuê.
Trường hợp quỹ đất dịch vụ - thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND cấp tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN để dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.
Theo Bộ Xây dựng, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, đặc biệt là nhà ở công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp là điều rất cần thiết.
Góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.
Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Việc đẩy mạnh nhà ở xã hội còn góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Bao gồm, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng. Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp là 178 dự án với quy mô xây dựng khoảng 140.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng;
Dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.