Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ đảm nhận công việc Tổng Thư ký liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 1/10, trong bối cảnh khối quân sự gặp nhiều thách thức trong việc đạt đồng thuận liên quan đến tình hình Ukraine, vấn đề chi tiêu quốc phòng và những tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị của NATO gồm đại diện thường trực đến từ 32 quốc gia thành viên liên minh, ngày 26/6 đã thống nhất chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký NATO kế tiếp, thay ông Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 10 tới. Theo Reuters, việc bầu chọn ông Rutte không bất ngờ và mang tính thủ tục, bởi đối thủ duy nhất của ông cho ghế Tổng Thư ký NATO là Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã thông báo rời cuộc đua từ tuần trước. Người tiền nhiệm của ông Rutte, đương kim Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Hà Lan đảm nhiệm chức vụ mới. "Mark là một người thật sự theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận. Tôi chúc ông ấy thành công trong nỗ lực tiếp tục củng cố NATO trước những thách thức của hiện tại và tương lai", ông Stoltenberg phát biểu.

Bộn bề thách thức chờ Tổng Thư ký mới của NATO -0
Ông Mark Rutte được chọn làm Tổng Thư ký NATO. Ảnh: Politico

Trong lịch sử NATO, ghế Tổng Thư ký NATO thường do một chính trị gia châu Âu đảm nhiệm. Vị trí này có nhiệm kỳ 4 năm và có thể gia hạn. Ông Stoltenberg đã giữ chức Tổng Thư ký NATO 10 năm liên tục từ năm 2014. Ông Rutte, 57 tuổi, đã lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 Liên minh châu Âu (EU) trong 14 năm và sắp mãn nhiệm. Ông thông báo ý định chạy đua vào ghế Tổng Thư ký NATO từ năm 2023 và nhận được sự ủng hộ của các thành viên NATO quan trọng như Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu phản đối ông Rutte, nhưng sau đó đổi ý. Theo truyền thông phương Tây, các Tổng Thư ký NATO có vai trò chính là chủ trì các cuộc họp của liên minh; dẫn dắt các cuộc tham vấn để đạt đồng thuận giữa các nước thành viên liên minh. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký NATO thường là người thay mặt khối đưa ra các tuyên bố, quan điểm chính thức; đồng thời đảm bảo các quyết định của NATO được đưa vào thực thi trên thực tế.

Giới quan sát nhận định, dù được toàn bộ thành viên NATO ủng hộ, ông Rutte sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi đảm nhận "ghế nóng". Một trong những bài toán quan trọng nhất mà ông Rutte phải xử lý là việc tìm ra điểm cân bằng giữa các đồng minh và tạo ra không khí hài hòa, ít xích mích trong NATO. Trong 10 năm qua, người tiền nhiệm của ông Rutte là ông Stoltenberg đã làm tốt nhiệm vụ củng cố sức mạnh của NATO ở sườn phía Đông, đồng thời "kéo" được Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Nhiệm vụ trong ngắn hạn của ông Rutte là làm sao duy trì được sức mạnh này với sự đoàn kết nội bộ. Theo Reuters, ông Rutte từ lâu được mô tả là một chính trị gia có lập trường linh hoạt trong thúc đẩy đồng thuận. Đây là yếu tố quan trọng khi NATO hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tức mọi quyết định của liên minh cần được tất cả thành viên ủng hộ.

Vấn đề ứng xử của NATO với khủng hoảng Ukraine cũng là một trong những mối bận tâm chính của ông Rutte, ít nhất là trong thời gian đầu đảm nhiệm cương vị mới. Dù NATO không trực tiếp viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng gần như toàn bộ nguồn viện trợ vũ khí dành cho Kiev đến từ các quốc gia thành viên NATO theo khuôn khổ các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba với nhiều diễn biến không theo dự báo ban đầu của phương Tây, nhiều thành viên NATO tỏ ra ngập ngừng trước việc có tiếp tục "bơm" vũ khí cho Kiev hay không. Tờ Guardian cho hay, ông Rutte ủng hộ Ukraine nhiệt tình. Chính phủ Hà Lan thời ông lãnh đạo đã cung cấp hoặc cam kết viện trợ gần 5 tỷ USD cho Ukraine, thuộc nhóm cao nhất châu Âu. Bên cạnh đó, ông Rutte còn là người thúc đẩy kế hoạch chuyển giao hàng chục tiêm kích F-16 của Hà Lan cho Kiev, động thái được Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả là "lịch sử".

Về chi tiêu quốc phòng trong NATO, khối này gần đây ghi nhận 23 trong 32 thành viên đạt mức chi ngân sách quốc phòng 2% GDP. Hà Lan đã vượt ngưỡng này sau nhiều năm không hoàn thành nhưng vẫn còn 1/3 liên minh chưa đạt mục tiêu, dù cam kết được đưa ra từ 10 năm trước. Tình trạng này phải được cải thiện khi ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ông Trump từng nhiều lần hối thúc các thành viên NATO đóng góp nhiều hơn. Politico nhấn mạnh, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng từng dọa cắt viện trợ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể là đòn giáng nặng nề vào cách tiếp cận chung của NATO về Ukraine, bởi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của NATO cho Kiev. Từ trước khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký NATO, ông Rutte đã báo hiệu sẵn sàng làm việc với bất cứ ai trở thành Tổng thống Mỹ. "Chúng ta nên ngừng cằn nhằn về ông Trump. Tôi không phải người Mỹ và không thể bỏ phiếu ở Mỹ. Chúng ta có nhiệm vụ làm việc với bất cứ ai trở thành lãnh đạo đất nước này", ông Rutte phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bon-be-thach-thuc-cho-tong-thu-ky-moi-cua-nato-i735604/

Thái Hà / CAND