Quan chức đi cùng Chủ tịch Triều Tiên chịu trách nhiệm tham vấn, hỗ trợ và bảo đảm an ninh trong thời gian diễn ra hội nghị với Tổng thống Mỹ.
Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol. Ảnh: Reuters. |
Kim Yong-chol, cựu lãnh đạo tình báo, phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, là một cố vấn rất được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tin tưởng, theo AFP. Ông là quan chức đầu tiên có mặt trên đoàn tàu đưa Chủ tịch Kim đến Hà Nội để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào 27-28/2.
Kim Yong-chol là gương mặt quen thuộc trong các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình ngoại giao của Bình Nhưỡng với Washington hiện nay. Ông là người đã tới Washington, trao lá thư của Chủ tịch Kim cho Tổng thống Trump. Sau đó, Nhà Trắng công bố thông tin về cuộc họp thượng đỉnh lần hai, mở ra triển vọng mới cho các cuộc đàm phán song phương về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Là tướng 4 sao, phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng ban Mặt trận thống nhất (chịu trách nhiệm về các mối quan hệ liên Triều), Kim Yong-chol đóng vai trò quan trọng trong các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên. Ông cũng từng là người đứng đầu Tổng cục Trinh sát, cơ quan tình báo quân đội hàng đầu của Triều Tiên, và là thành viên cấp cao của cộng đồng tình báo gần 30 năm.
Kim Yong-chol đóng vai trò lớn trong việc đưa Kim Jong-un trở thành người kế nhiệm ở Triều Tiên và luôn xuất hiện bên cạnh lãnh đạo này trong những chuyến thăm công khai. AFP cho rằng sự xuất hiện của ông Kim Yong-chol trên chuyến tàu tới Hà Nội cho thấy đến thời điểm này, ông vẫn rất được Chủ tịch Kim Jong-un tin tưởng.
Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un, là quan chức thứ hai có mặt trong đoàn quan chức tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên tới Việt Nam. Khi ông Kim Jong-un lần đầu tiên gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Panmunjom tháng 4 năm ngoái, Kim Yo-jong là phụ nữ duy nhất trong số 6 người tham gia vào cuộc thảo luận lịch sử.
Kim Yo-jong đứng bên cạnh Kim Jong-un khi ông ký tên vào sổ lưu niệm tại Panmunjom tháng 4/2018. Ảnh: AFP. |
Trong lễ ký văn kiện giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018, trên bàn có đặt sẵn chiếc bút màu đen mà Mỹ chuẩn bị để Kim Jong-un sử dụng. Tuy nhiên, vào phút cuối, Kim Yo-jong đi đến từ phía sau và đưa cho anh mình một cây bút khác.
Kim Yo-jong sinh năm 1988, từng đi du học với anh ở Thụy Sĩ khi còn nhỏ. Cô giữ chức Phó chủ nhiệm Ban Tuyên giáo đảng Lao động Triều Tiên từ năm 2014, có nhiệm vụ củng cố và xây dựng hình ảnh cho anh mình. Tháng 10/2017, trong cuộc họp của Uỷ ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Kim Yo-jong được bổ nhiệm làm uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị.
Nhiệm vụ của Kim Yo-jong là phụ trách vấn đề tuyên truyền, từ các tuyên bố của chính phủ cho đến thông tin trên báo chí và phim ảnh. Tuy nhiên, chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden mô tả Kim Yo-jong có vai trò tương tự chánh văn phòng Nhà Trắng, tham gia vào mọi thứ, từ các vấn đề cơ bản cho đến những quyết định quan trọng: thử tên lửa hạt nhân, tình báo, chính sách đối ngoại, lịch trình, hậu cần và an ninh cho Kim Jong-un.
Giới chuyên gia cho rằng Kim Yo-jong có thể giúp tô điểm hình ảnh cho Kim Jong-un khi ông công du nước ngoài và là một trong những phụ tá thân tín nhất của Chủ tịch Kim.
Kim Hyok-chol mới tiếp nhận vai trò đặc phái viên về Mỹ từ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hồi đầu tháng. Ông từng là đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, Ethiopia, Sudan cùng một số quốc gia khác.
Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol. Ảnh: KFA. |
Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết Kim Hyok-chol hiện là thành viên Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên và lâu nay vẫn được coi là một nhà ngoại giao lão luyện. Ông đến Hà Nội một tuần trước hội nghị thượng đỉnh để hội đàm với đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun.
Kim trước đây công tác tại Cục 9, nơi chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển chiến lược ngoại giao của Triền Tiên. Ông nhanh chóng thăng tiến nhờ chiếm được sự tin tưởng của Ngoại trưởng Ri Yong-ho.
Hồi tháng một, Kim Hyok-chol tháp tùng Kim Yong-chol trong chuyến thăm Mỹ. Kim Hyok-chol cũng từng là tiếng nói chủ chốt tham gia tích cực vào các phiên đàm phán 6 bên với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào thập niên 2000.
"Kim am hiểu các vấn đề hạt nhân, giàu kinh nghiệm và làm việc rất chăm chỉ. Ông ấy sử dụng trôi chảy tiếng Anh và thành thạo tất cả các thuật ngữ liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời không chút do dự khi nói về tầm bắn của những tên lửa chính trong kho vũ khí Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", một nguồn tin ngoại giao từng làm việc với Kim Hyok-chok trong thời gian ông giữ chức đại sứ tại Tây Ban Nha nhận xét.
Kim Chang-son đứng đầu ban thư ký Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, đóng vai trò như chánh văn phòng của Kim Jong-un.
Kim Chang-son tại Hà Nội ngày 16/2. Ảnh: Yonhap. |
Ông Kim Chang-son sinh năm 1944 tại huyện Myonchon, tỉnh Bắc Hamgyong. Ông theo học chuyên ngành tiếng Nga và nghiên cứu Liên Xô tại Đại học Kim Nhật Thành. Sự nghiệp của ông trong đảng Lao động Triều Tiên bắt đầu vào năm 1969, khi ông làm việc cho Cục Đối ngoại của Lực lượng Vũ trang Nhân dân (MPAF). Kim Chang-son từng là thư ký trưởng và là một trong những cố vấn, phụ tá thân cận nhất của cố lãnh đạo Kim Jong-Il .
Ông có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng tình báo Triều Tiên và là một trong số ít những người được phép tiếp cận các con của Kim Jong-il. Vì vậy, ông có mối quan hệ cá nhân với Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong.
Sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền, vào tháng 1/2012, Kim Chang-son trở thành lãnh đạo của Ban Thư ký Ủy ban Quốc phòng, cơ quan được đổi thành Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên vào năm 2016. Ông thường xuyên tháp tùng Kim Jong-un đến xem các buổi biểu diễn, thăm nhà máy, đơn vị quân đội, các dự án xây dựng và các cuộc họp quan trọng.
Năm 2018, ông gặp Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin tại khách sạn Capella ở Singapore vào cuối tháng 5 để bàn về các biện pháp an ninh và hậu cần cho cuộc họp đầu tiên giữa Kim Jong-un và Trump diễn ra một tháng sau đó.
Kim Chang Son sang Hà Nội từ hai tuần trước khi hội nghị dự kiến diễn ra và thực hiện hoạt động tiền trạm các khu vực và địa điểm mà Chủ tịch Triều Tiên có thể ghé thăm khi tới Hà Nội nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối của ông Kim Jong-un.
Triều Tiên kêu gọi tôn trọng lẫn nhau trước hội nghị ở Hà Nội Cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên cho rằng Triều Tiên và Mỹ có thể tạo ra kết quả cùng có lợi nếu tiến hành ... |