Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế nắm bắt thông tin. Câu chuyện hội họp quá nhiều mà công việc lại không hiệu quả không phải chỉ ở TP HCM mà đã là vấn đề của cả nền hành chính công, qua nhiều chỉ đạo chấn chỉnh nhưng chưa nhiều chuyển biến.
Lạm phát họp |
Họp liên miên, không còn thời gian làm việc |
Có một thực tế được lãnh đạo TP HCM chỉ ra là có khi các cuộc họp của UBND thành phố với các sở ngành thì có khi 1 phó giám đốc sở đến dự kéo theo đến vài cán bộ phòng, ban. Lý do là để có vấn đề gì lãnh đạo thành phố cần hỏi, lãnh đạo sở không nắm chắc thì đã có “anh em” cung cấp thông tin cụ thể. Đó là một dạng của lãng phí thời gian, con người vào việc hội họp, cũng phản ánh thực tế cán bộ lãnh đạo nắm công việc cụ thể rất lơ mơ.
Một dạng khác của hội họp vô bổ là người chủ trì cuộc họp của các cơ quan nhiều khi không nắm được việc, không chuẩn bị kỹ nội dung cuộc họp dẫn đến điều hành theo kiểu lãng phí thời gian nghe báo cáo dài dòng, mà có khi không đưa ra được kết luận vấn đề, không giải quyết được vấn đề cần giải quyết.
Đấy là đi cụ thể vào nội dung những cuộc họp chưa hiệu quả, còn lại vấn đề trầm trọng nhất hiện nay là quá nhiều hội họp. Nhiều cuộc không cần thiết, tới mức như lãnh đạo thành phố cho rằng có thể giảm tới 30% các cuộc họp. Từng có một bộ trưởng nói rằng mỗi tuần ông phải dự khoảng 30-40 cuộc họp, có lãnh đạo tỉnh được mời 700 cuộc họp mỗi năm. Còn theo con số đưa ra của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trong 7 tháng đầu năm 2017, sở tiếp nhận 2.114 thư mời họp từ các các cơ quan đơn vị. Còn lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố này trong nửa đầu năm 2017 phải dự khoảng 1.500 cuộc họp…
Họp nhiều đang nói lên điều gì? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc phân cấp, phân quyền hiện nay đã rất rõ ràng cụ thể. Nếu mỗi cán bộ, công chức làm hết trách nhiệm theo phân quyền của mình thì sẽ đỡ hẳn việc hội họp. Bởi vì càng nhiều cuộc họp càng chứng tỏ có nhiều việc phải bàn, phải dựa vào kết luận tập thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có lần đã từng nói, cần giảm bớt các cuộc họp không cần thiết vì đã phân cấp, phân quyền. Còn theo chuyên gia Diệp Văn Sơn, khi có một quy chế hoạt động rõ với thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân thì chắc chắn không cần quá nhiều cuộc họp như vậy.
Đó là chưa kể rất nhiều cuộc họp khác là “vẽ” ra họp, hội thảo để “giải ngân”. Họp xong, nghe xong các kiểu tham luận rồi để đấy, chẳng để làm gì.
Ở đây, nếu ngay cả không bàn về chất lượng và tính hiệu quả của các cuộc họp, thì chỉ riêng việc bận họp, cũng là khiến bộ máy hành chính công làm trì trệ việc phục vụ người dân. Rất nhiều trường hợp người dân đến phường, xã làm các dịch vụ hành chính công đã không được tiếp vì cán bộ bận họp. Thậm chí ngay cả những khi đang nước sôi lửa bỏng như bão lụt, thay vì trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo các biện pháp cụ thể cứu dân, có nơi cán bộ ngồi họp trong phòng kín.
Họp không phải là việc phải kỳ thị. Có nhiều cuộc họp rất cần thiết, mà nếu được diễn ra kịp thời, đúng đắn, hiệu quả sẽ giải quyết được các vướng mắc một cách tốt đẹp nhất. Tuy nhiên phải xác định rõ, việc gì đáng họp thì mới họp. Mà nếu cần phải họp, hãy chuẩn bị kỹ nội dung để rút bớt thời gian họp, ngắn gọn mà hiệu quả. Họp không phải là một việc làm có tính hình thức. Điều đáng nói ở đây là hầu hết mọi người chắc đều không thích thú gì việc phải ngồi họp quá nhiều.
Ai cũng biết hội họp hình thức không hiệu quả vừa lãng phí thời gian tiền bạc vừa làm ảnh hưởng đến công việc khác. Vậy nhưng tại sao việc này được nói đến nhiều lần lại vẫn chưa khắc phục được? Có lẽ họp đã trở thành một thói quen, hay một nề nếp làm việc cần được cải cách triệt để trong hoạt động của bộ máy hành chính công hiện nay.
Tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 6 vừa qua, bà Võ Thị Dung- Phó Bí thư Thành ủy đã nêu ý kiến: người đứng đầu chính quyền nên tăng cường đi thực tế, giảm hội họp; thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận và xử lý góp ý của người dân. Đây là ý kiến xác đáng. Nhất là trong thời buổi công nghệ hiện nay, có rất nhiều cách để giải quyết công việc một cách hiệu quả thay cho họp.
Mong rằng, tinh thần cắt giảm 30% các cuộc họp không cần thiết để dành thời gian đi cơ sở, gần dân hơn, giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân, ban hành những chính sách hợp lòng dân hơn… không phải chỉ là một chỉ đạo của TP HCM mà nó sẽ được thực hiện ở tất cả mọi nơi. Bớt đi những cuộc họp vô bổ là tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí và làm cho tinh thần chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách phải được tăng cường.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/bot-hop-379510