Hiện câu chuyện tăng học phí vẫn nóng trên nhiều diễn đàn. Với nhiều thí sinh, việc chọn trường nào, ngành nào không còn phụ thuộc vào năng lực, sở thích mà phụ thuộc vào túi tiền của gia đình. Còn theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chỉ dựa vào học phí thì rất khó để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, Nhà nước vẫn phải tăng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nhưng các trường phải rà soát, cấu trúc lại chương trình đào tạo, môn nào vô bổ, công trình nghiên cứu nào không có tính ứng dụng thì cắt bỏ, để giảm gánh nặng học phí cho người học.
- Áp lực tăng học phí "đè nặng" sinh viên
- Rà soát chặt chẽ giá sách giáo khoa, đánh giá tác động việc tăng học phí
Cứ được tự chủ là tăng học phí?
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, hiện nay đầu tư công cho giáo dục đại học ở Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta đầu tư chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan và bằng 1/20 so với Australia.
Đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học đang ở mức thấp như vậy, thì chất lượng nguồn nhân lực là rất có vấn đề. Số cử nhân, kỹ sư ra trường không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chiếm tỉ lệ khá cao. Do vậy, các cơ sở giáo dục trong đó có các trường đại học cần phải thực hiện đổi mới dạy và học theo khung đào tạo mới, công bố và cam kết chất lượng đầu ra của người học.
Từ đó Nghị định 81/2021 của Chính phủ (Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo – PV) đã mở ra một hành lang pháp lý quan trọng cho các cơ sở giáo dục công lập, đó là cơ chế thu, quản lý học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và hướng tới tính đúng tính đủ cho chi phí trong đào tạo.
Tùy theo đối tượng các trường công lập khác nhau (tự chủ, hay không tự chủ), mà các trường có mức thu học phí sàn theo lộ trình từ năm học 2022-2023 đến năm 2025-2026 được quy định cụ thể. Đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính, mức học phí tăng có mức độ. Còn đối với các trường tự chủ tài chính, mức tăng trần có thể tới 2,5 lần, tùy theo các ngành học, do cơ sở giáo dục quyết định. “Như vậy, học phí sẽ tăng, thậm chí tăng cao so với các năm trước nếu trường đó chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính”, PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho hay, các trường đại học có hai nguồn thu chính là ngân sách Nhà nước hỗ trợ và học phí. Tuy nhiên, khi thực hiện theo cơ chế tự chủ và bị cắt chi thường xuyên, các trường chỉ còn cách tăng học phí lên cao.
“Thực hiện tự chủ đại học mà Nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì không thể đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục được. Chúng ta vừa muốn mức học phí thấp, Nhà nước không tăng ngân sách cho giáo dục đại học, vừa muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể. Tuy nhiên, tăng học phí như thế nào và cần các chính sách kèm theo ra sao để đảm bảo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người dân là điều cần phải tính toán, xem xét”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Ông Vinh đề xuất, các cơ sở giáo dục phải quản trị hiệu quả, tính đúng tính đủ chi phí đào tạo. Nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, cuối cùng chất lượng giáo dục không đảm bảo và nhà trường cũng không thể phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm mới.
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, trước mắt các trường cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường và thực chất là giảm học phí cho người học.
Chương trình đào tạo quyết định chi phí lao động của giảng viên và cán bộ quản lý, chi phí không gian, chi phí cơ hội, chi phí năng lượng, vật tư... Nếu chương trình không được thiết kế tinh giản, cơ sở không lược bớt những môn học không giúp cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên mà hạch toán tính vào chi chí là không công bằng.
Bên cạnh đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cần xem xét lại những đề tài nghiên cứu khoa học, có những đề tài vô bổ, không có tính ứng dụng, không có ý nghĩa và không tạo nên nguồn thu thì có nên tiếp tục hay không.
“Một vấn đề quan trọng nữa là phải thống nhất đầu mối quản lý về tài chính và thống nhất quy chế nội bộ để đảm bảo điều hòa nguồn thu – chi một cách hợp lý. Trong một cơ sở giáo dục đại học không thể “mạnh ai nấy làm”, cần phải có đầu mối để điều hòa hoạt động thu - chi”, TS Vinh đề xuất.
Không được mập mờ lộ trình tăng học phí
Đối với các trường công lập tự chủ tài chính, Nghị định 81 của Chính phủ quy định mức sàn, trần học phí cho từng năm học, khối ngành đào tạo. Theo chuyên gia giáo dục, các trường thu học phí bao nhiêu cần làm rõ và cân nhắc kỹ 2 vấn đề.
Thứ nhất, phải giải trình với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đề án tuyển sinh hàng năm về nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo, cam kết chuẩn đầu ra của người học, trong đó phải nêu rõ mức học phí trong năm học, lộ trình tăng ra sao, phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Thứ hai, mức học phí đó có đủ hấp dẫn thu hút sinh viên vào học trường đó hay không? Ở đây muốn nói đến thương hiệu nhà trường, chất lượng tuyển sinh đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, giải quyết câu chuyện “đảm bảo tài chính cho các trường và người học không phải chịu áp lực quá lớn từ học phí” thì Nhà nước vẫn phải tăng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành cho sinh viên, các phòng lab nghiên cứu cho giảng viên và đào tạo đội ngũ giảng viên trình độ cao. Thêm nữa, các trường phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Khi tỷ trọng doanh thu lĩnh vực khoa học và chuyển giao công nghệ tăng, sẽ giúp tái đầu tư nguồn lực, nâng cao trình độ giảng viên, một hướng để nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, trường đại học phải có các hoạt động gắn kết với các doanh nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế để xây dựng được quỹ học bổng lớn hơn, và từ đó giúp được nhiều sinh viên trong quá trình học tập. Cuối cùng, người học cũng phải xác định, đi học là một kênh đầu tư cho tương lai, do vậy phải nỗ lực học tập để có kết quả học tập tốt, tránh tình trạng phải học lại, thi lại nhiều lần.
Hiện nhiều trường đã xây dựng quỹ học bổng từ các nguồn khác nhau như từ học phí, từ các nhà tài trợ, từ doanh nghiệp có tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp… Quỹ học bổng đã hỗ trợ được các sinh viên học khá giỏi, và sinh viên nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục duy trì cơ chế tín dụng với người học: Vay và trả sau tốt nghiệp.
“Để thực hiện được việc này, thì quan trọng là các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra, để sinh viên ra trường có công ăn việc làm, từ đó họ mới có cơ hội trả nợ được”, PGS.TS Lê Hữu Lập cho hay.