Ngày 2/8/2022, Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương đã báo cáo đoàn công tác tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, đặc biệt là việc BSR đã tận dụng cơ hội chênh lệch cao giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack margin) và áp dụng các biện pháp quản trị biến động để đem lại doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận sau thuế ở mức cao.
6 tháng đầu năm, nộp NSNN đạt 10.636 tỷ đồng
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Quốc hội có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đình Việt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các đồng chí là Ủy viên thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban các Vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại và Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, KonTum, Phú Yên và Trà Vinh.
Tham gia Đoàn công tác của Quốc hội còn có các đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.
Đoàn công tác thăm Phòng điều khiển trung tâm thuộc NMLD Dung Quất
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn có đồng chí Bùi Minh Tiến - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn; đồng chí Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BSR; đồng chí Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Công ty BSR cùng các đồng chí trong HĐQT, Ban Tổng Giám đốc BSR, Ban Giám đốc NMLD Dung Quất; Ban Quản lý Dự án NCMR NMLD Dung Quất và lãnh đạo các ban chuyên môn BSR.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty BSR. Kể từ khi đi vào vận hành vào năm 2009 đến hết quý II/2022, BSR đã sản xuất hơn 80,1 triệu tấn sản phẩm; tổng doanh thu đạt 1,345 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 195 nghìn tỷ đồng. Kết quả SXKD từ 2009 đến nay đã chứng minh rằng việc đầu tư NMLD Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng ngân sách cho quốc gia, thúc đẩy kinh tế ở khu vực miền Trung,…
Đoàn công tác tặng quà cho người lao động NMLD Dung Quất
Trong 6 tháng đầu năm 2022, BSR đã vận hành NMLD Dung Quất an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả ở công suất tối ưu. BSR đã tận dụng cơ hội chênh lệch cao giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack margin) để đem lại doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận sau thuế ở mức cao. Doanh thu BSR đạt 87.865 tỷ đồng; nộp NSNN đạt 10.636 tỷ đồng. Theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của BSR trong 6 tháng đầu 2022 bằng 50% lợi nhuận sau thuế của cả giai đoạn 2009 - 2020.
Đến thời điểm hiện tại, NMLD Dung Quất đã đạt trên 35 triệu giờ công an toàn. BSR cũng không ngừng củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị theo mô hình công ty cổ phần; đồng thời mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số. Trong công tác nghiên cứu khoa học, BSR đã có 280 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được công nhận trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả ước đạt khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng.
Tổng giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại buổi làm việc
Theo dự báo của các tổ chức uy tín trên thế giới, giá dầu thô và sản phẩm có xu hướng giảm dần đến cuối năm 2022 và crack margin đã qua giai đoạn đỉnh, có xu hướng giảm nhưng vẫn có lợi cho việc chế biến. Vì vậy, BSR nỗ lực phấn đấu với mục tiêu sản lượng sản xuất và xuất bán trong 6 tháng cuối năm 2022 tương đương 6 tháng đầu năm (khoảng 3,4 triệu tấn) và lợi nhuận sau thuế (phấn đấu bảo toàn kết quả 6 tháng đầu năm 2022), nộp NSNN cao nhất có thể (ước đạt trên 4 nghìn tỷ đồng).
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động dầu khí
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cũng đề nghị được Quốc hội hỗ trợ Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi/thúc đẩy đầu tư cho các dự án phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng, sản xuất năng lượng xanh. Điều chỉnh chính sách pháp lệnh dự trữ quốc gia về dầu thô, sản phẩm gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu. Chỉnh sửa các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng,… nhằm rút ngắn thời gian triển khai các dự án trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng. Chỉnh sửa Luật Thuế GTGT, trong đó loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên là Dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các khách hàng của BSR) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để được khấu trừ đầu vào khi xuất khẩu.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang phối hợp với Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí có phạm vi điều tra cơ bản về dầu khí và các hoạt động ở khâu thượng nguồn. Trong quá trình thực hiện, Quốc hội tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đạt chất lượng cao nhất. Quốc hội mong muốn rằng tất cả các luật, trong đó có Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Và đặc biệt, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động Dầu khí, tạo điều kiện cho các chuỗi giá trị dầu khí bền vững, thích ứng với biến động kinh tế vĩ mô và xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới hiện nay.
https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/5dd850e6-0c5c-46d1-a66f-9ee87b6503e9