Viện Khoa học công nghiệp và Công nghệ tiên tiến quốc gia (AIST) tại vùng Kansai - Nhật Bản vừa tạo ra giống gà mái đẻ trứng có chứa hoạt chất có thể dùng điều trị các bệnh hiểm nghèo, như ung thư và viêm gan.
 

Theo tờ Yomiuri, quy trình này sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gien để tạo ra interferon beta, một loại protein liên quan đến hệ miễn dịch với chi phí tương đối thấp.

Các nhà nghiên cứu trước hết dùng công nghệ chỉnh sửa gien đưa loại gien tạo ra interferon beta vào các tế bào hình thành nên tinh trùng gà. Các tế bào này được sử dụng để thụ tinh, tạo ra những trứng gà nở thành gà trống mang gien tạo interferon beta. Tiếp đó, chúng được giao phối với một số gà mái để đẻ ra gà con thừa hưởng những gien nói trên.

Chuyên gia Junjiu Huang

Interferon beta được sử dụng trong điều trị ung thư da ác tính và viêm gan, cũng như trong nghiên cứu virus. Quá trình sản xuất thông thường đòi hỏi cơ sở quy mô lớn và chi phí sản xuất vài microgram interferon beta dao động từ 30.000-100.000 yen. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu có kế hoạch sản xuất interferon beta ổn định từ vài chục mg đến 100 mg (1 mg = 1.000 microgram) trong một quả trứng gà, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Một công ty nghiên cứu có kế hoạch bán loại thuốc này như một hợp chất nghiên cứu vào đầu năm tới với giá thành chỉ bằng phân nửa mức giá trên thị trường hiện nay. Họ hy vọng giảm giá bán xuống còn chưa đến 10% mức giá hiện nay.

Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể phải đợi một thời gian nữa bởi Nhật Bản có các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc giới thiệu các sản phẩm dược mới ra thị trường và quy trình kiểm tra thường mất nhiều năm.

Đi xa hơn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn can thiệp gien ngay trên phôi người để chữa bệnh. Theo đài BBC, các chuyên gia tại Trường ĐH Tôn Trung Sơn gần đây tiết lộ họ đã "phẫu thuật hóa học" thành công trên phôi người để giúp chỉnh sửa một lỗi của bộ mã di truyền, từ đó loại bỏ bệnh tan máu bẩm sinh.

Ông Junjiu Huang, một trong các nhà nghiên cứu, cho hay thành tựu đầu tiên trên thế giới này mở ra hướng mới trong việc điều trị và ngăn chặn các thai nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh cũng như những bệnh di truyền khác.

Nghiên cứu trên là ví dụ mới nhất cho thấy sự tiến triển nhanh chóng của giới khoa học trong việc can thiệp vào ADN con người để chữa bệnh. Tuy nhiên, vấn đề này cũng gây ra tranh luận gay gắt về đạo đức và xã hội, về những gì nên và không nên làm để ngăn ngừa bệnh tật.

Quỹ bảo hiểm y tế dự kiến bội chi 10.000 tỷ đồng năm 2017
Mỹ cấp visa cho người phụ nữ Việt sang hiến tủy cứu chị gái
\'Cò\' khám chữa bệnh lộng hành: Trước bệnh viện công nào cũng có \'cò\'

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bung-no-can-thiep-gien-de-chua-benh-20171009221141572.htm

/ Theo Xuân Mai/nguoilaodong.com.vn