Hôm 3/4 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm hiếm hoi, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Nga đã bắt giữ một nhà báo người Mỹ với cáo buộc thực hiện các nhiệm vụ gián điệp, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Giới chuyên gia nhận định, vụ việc nêu trên cùng thái độ cứng rắn của các bên trong cuộc điện đàm, có khả năng thổi bùng căng thẳng ngoại giao Nga – Mỹ thời gian tới.

TASS ngày 3/4 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc điện đàm của hai Ngoại trưởng cho biết, ông Lavrov và ông Blinken đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tạo môi trường thuận lợi cho các phái bộ hai bên được thực hiện công việc của mình ở nước sở tại.

tobiayodele.png -0
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và người đồng cấp Nga đều tỏ thái độ cứng rắn trong điện đàm về vụ nhà báo của WSJ bị bắt giữ. Nguồn: Twitter TobiAyodele.

Trong đó, phía Mỹ đề nghị Nga trả tự do ngay lập tức cho nhà báo thuộc tờ Wall Street Journal (WSJ) Evan Gershkovich - người bị Moscow cáo buộc thực hiện các nhiệm vụ gián điệp. Thậm chí, ông Blinken gọi động thái trên của Nga là vô căn cứ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov thẳng thừng từ chối, nhấn mạnh rằng giới chức Mỹ và truyền thông xứ cờ hoa không nên cố gắng chính trị hóa vụ việc.

Thông báo cũng nêu rõ: “Cuộc điện đàm diễn ra theo đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ. Ông Blinken đã được nhắc nhở về việc cần tôn trọng các quyết định từ chính quyền Nga, vốn thực hiện theo luật pháp và nghĩa vụ quốc tế của Liên bang Nga. Dựa trên bằng chứng rõ ràng về hoạt động bất hợp pháp của nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, một tòa án sẽ định đoạt số phận của anh ta. Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã được thông báo về vụ bắt giữ”.

Giới chuyên gia nhận định, việc Ngoại trưởng hai nước đều tỏ thái độ cứng rắn về vấn đề nêu trên trong một cuộc điện đàm hiếm hoi, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Trước đó, phía WSJ liên tục lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Nga, đồng thời rút Trưởng đại diện của WSJ tại Moscow về Mỹ. Ngoại trưởng Blinken kêu gọi bất cứ công dân Mỹ nào còn ở Nga nên rời nước này ngay lập tức. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence thì đề nghị chính phủ trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây xác nhận, ông chưa có kế hoạch trục xuất các nhà ngoại giao và nhà báo Nga như một biện pháp đáp trả. “Đó chưa phải là kế hoạch của chúng tôi vào lúc này”, ông Biden nhấn mạnh.

Được biết, Evan Gershkovich, sinh năm 1991, đã làm việc ở Moscow được sáu năm, có cha mẹ sống tại Mỹ nhưng là người gốc Liên Xô cũ. Nhà báo này thành thạo tiếng Nga, được Bộ Ngoại giao Nga cấp những giấy tờ cần thiết để tác nghiệp ở nước này. Trước khi chuyển sang tạp chí WSJ, Evan Gershkovich từng làm việc cho tờ Moscow Times và AFP. Evan Gershkovich chuyên sản xuất tin bài về Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Vài tháng gần đây, nhà báo này chủ yếu viết về chính trị ở Nga và cuộc xung đột ở Ukraine.

Hôm 30/3, toà án quận Lefortovo (Moscow) đã ra quyết định bắt giữ Evan Gershkovich tại thành phố Ekaterinburg vì cáo buộc làm gián điệp. Cơ quan an ninh nội địa Nga (FSB) cho biết, Evan Gershkovich bị bắt khi cố thu thập dữ liệu thuộc loại bí mật quốc gia, về một công ty trong khu liên hợp công nghiệp quân sự của Nga, nhưng không nêu cụ thể tên của công ty này. Theo Reuters, Evan Gershkovich là nhà báo đầu tiên của một hãng tin Mỹ bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp ở Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh. Vụ bắt bớ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ và Nga ngày càng căng thẳng vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Thông tin về vụ việc này, truyền thông Nga cho hay, Evan Gershkovich sẽ bị giam giữ ít nhất cho đến ngày 29/5 tại trạm giam Lefortovo trước khi được đưa ra xét xử. Phía Nga cũng cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự cho nhà báo bị bắt theo các thủ tục nội bộ. Theo tờ New York Times, nếu bị kết tội, Evan Gershkovich có khả năng phải đối mặt với án tù tối đa lên tới 20 năm và việc trắng án trong các vụ xử gián điệp ở Nga hầu như chưa từng xảy ra.

Một luật sư người Nga giấu tên chia sẻ với The Guardian, rằng vụ việc như trên có thể mất tới hai năm kể từ khi bắt giữ cho tới khi kết án. Hy vọng được thả mong manh của nhà báo này là thông qua một cuộc trao đổi tù nhân. Tuy vậy, giới chức Nga đã phát đi tín hiệu rằng còn quá sớm để thảo luận về một vụ hoán đổi đối với trường hợp của Evan Gershkovich. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov ngày 3/4 cho hay, các cuộc trao đổi tù nhân trước đây giữa Nga và Mỹ chỉ diễn ra đối với những người đã thụ án được một thời gian.

Trong một diễn biến có liên quan, về thông tin nhiều nhà báo nước ngoài rời Nga sau khi Moscow ban hành luật trừng phạt bất cứ ai làm mất uy tín của lực lượng Nga tại Ukraine hay đưa tin giả về tình hình Ukraine, Phát Ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày khẳng định: “Những người thực hiện hoạt động báo chí bình thường và phù hợp vẫn có thể làm việc tại Nga. Sẽ không có bất cứ vấn đề gì hay hạn chế với những việc làm đúng đắn của các bạn”.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bung-no-cang-thang-ngoai-giao-nga--my-i688832/

Kim Khánh / Công an nhân dân