Tổng thống Donald Trump ngày 23-7 tuyên bố Mỹ đã đạt được ba thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Nhật Bản, Philippines và Indonesia, mở ra một chương mới trong chiến lược thương mại tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này hứa hẹn định hình lại cán cân thuế quan, chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực.

Các thỏa thuận được công bố chỉ trong vòng 24 giờ. Tâm điểm chú ý là tuyên bố từ Nhà Trắng về thỏa thuận với Nhật Bản. Trong đó, Tokyo đồng ý mức thuế 15% đối ứng với hàng hóa Mỹ, thay vì 25% như cảnh báo trước đó. Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào các lĩnh vực bán dẫn, y tế, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tại Mỹ.
Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. và công bố thỏa thuận mới với mức thuế 19% áp dụng cho hàng hóa Philippines vào Mỹ, trong khi hàng hóa Mỹ xuất sang nước này được miễn thuế hoàn toàn. Mức thuế 19% này chỉ thấp hơn một chút so với mức 20% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến áp lên Philippines trước đó. Hai nước cũng cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, quốc phòng và logistics hàng hải.
Cùng ngày, Indonesia trở thành đối tác thứ ba của Mỹ trong chuỗi thỏa thuận. Jakarta đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ rào cản thuế và phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ: Không còn yêu cầu xuất xứ nội địa, không cần kiểm tra tiền xuất khẩu và chấp nhận tiêu chuẩn kỹ thuật Mỹ trong các ngành như ô tô, dược phẩm, công nghệ... Đổi lại, Mỹ giảm mức thuế từ 32% xuống 19% cho hàng hóa Indonesia và cam kết tăng cường hỗ trợ đầu tư.
Thỏa thuận được xem là “mở cửa toàn diện nhất” trong số ba quốc gia. Đáng chú ý, Indonesia cũng đạt thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với KBR (một công ty quốc tế, chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật, năng lượng, và công nghệ, có trụ sở tại Mỹ) để xây dựng tổ hợp nhà máy lọc dầu.
Ngay khi thông tin về thuế quan Mỹ - Nhật Bản lan tỏa, thị trường tài chính Tokyo phản ứng mạnh, với chỉ số Nikkei tăng hơn 3%, trong khi cổ phiếu các tập đoàn Toyota và Sony đồng loạt tăng giá.
Thủ tướng Ishiba Shigeru nhận định, đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh Nhật Bản cần duy trì ổn định kinh tế và tránh kịch bản suy thoái kéo dài.
Tuy vậy, nội bộ Mỹ lại nảy sinh không ít lo ngại. Theo Chủ tịch Hội đồng các nhà sản xuất ô tô Mỹ (AAPI) Matt Blunt, Nhật Bản được ưu đãi trong khi các nước Bắc Mỹ thì không. Điều này khiến sự công bằng trong thương mại sẽ bị phá vỡ.
Đối với Philippines, chuyên gia George Manzano tại Đại học châu Á - Thái Bình Dương (Philippines) cho rằng, mức thuế 19% sẽ không gây tác động lớn, bởi hơn 60% xuất khẩu của Philippines là thiết bị điện tử đã được miễn thuế từ trước. "Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng chính sách bảo hộ, tác động sẽ rõ rệt hơn".
Với Indonesia, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ khẳng định: “Đây là cơ hội thị trường chưa từng có cho doanh nghiệp Mỹ". Đảo quốc Đông Nam Á với hơn 260 triệu dân rõ ràng là "miếng bánh" thương mại béo bở trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Washington và các nước đạt được thỏa thuận thương mại hứa hẹn nhiều thay đổi lớn. Việc này phù hợp với xu hướng Mỹ chuyển trọng tâm thương mại và chuỗi cung ứng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyên gia Kristina Clifton (Commonwealth Bank of Australia) đánh giá, thỏa thuận với Nhật Bản đặc biệt có giá trị vì giúp giảm nguy cơ suy thoái, đồng thời tạo kênh đầu tư mới vào thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, Philippines và Indonesia sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ tiếp cận thị trường Mỹ rộng lớn và tăng đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo rằng, những thỏa thuận này chưa có tính pháp lý ràng buộc, chủ yếu là tuyên bố chính trị hoặc khung cam kết nên vẫn có thể thay đổi nếu chính sách của Mỹ đảo chiều hoặc Quốc hội nước này không phê chuẩn.
Nhìn chung, loạt thỏa thuận công bố ngày 23-7 đánh dấu bước chuyển mới trong chiến lược thương mại giữa Mỹ với các đối tác châu Á.
Với mức thuế 15-19%, các nước được hưởng lợi nhiều mặt từ tiếp cận thị trường Mỹ, thu hút đầu tư và cải cách thể chế, còn Mỹ có thể đạt được các mục tiêu chính trị, địa kinh tế và tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, thành công lâu dài của các thỏa thuận còn phụ thuộc vào khả năng hiện thực hóa thành các hiệp định chính thức. Nếu vượt qua rào cản suôn sẻ, khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á có thể bước vào một thập kỷ tăng trưởng mới, dựa trên hợp tác thương mại sâu sắc hơn với nền kinh tế số 1 thế giới.