Bà Maryam Nawaz - trưởng nữ của ông Nawaz Sharif - người đã có 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Pakistan đã được bầu làm Thủ hiến tỉnh Punjab. Đây là người phụ nữ đầu tiên của Pakistan giữ chức vụ này.

pa1-6920-9529
Bà Maryam Nawaz, tân Thủ hiến Punjab ra mắt sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 26-2-2024

Tuần qua, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PMLN) của bà Maryam và các đồng minh đã nhận được 220 phiếu bầu trong cơ quan lập pháp tỉnh Punjab (gồm 371 thành viên) sau khi cuộc bầu cử bị đảng đối lập Hội đồng Ittehad (của người Sunni, được cựu Thủ tướng Imran Khan hậu thuẫn) tẩy chay. Trước đó, ông Imran Khan cáo buộc cuộc bầu cử Quốc hội và cấp tỉnh ngày 8-2 đã bị gian lận, nhưng cáo buộc đã bị Ủy ban bầu cử Pakistan (ECP) bác bỏ. “Tôi thất vọng vì phe đối lập không ở đây để tham gia vào tiến trình dân chủ này” - bà Maryam nói.

Bà Maryam (50 tuổi) là thành viên thứ tư trong gia tộc trở thành Thủ hiến bang Punjab sau cha mình. Trước đó, chú ruột của bà là ông Shehbaz Sharif (em trai ông Nawaz Sharif) cũng là Thủ hiến và hiện là đương kim Thủ tướng Pakistan. Em họ của bà là ông Hamza Sharif (con trai ông Shehbaz) cũng làm Thủ hiến. Bà Maryam sinh năm 1973, là con cả trong gia đình có 4 anh chị em và không tham gia chính trường cho đến năm 2013, khi ông Nawaz trở thành Thủ tướng lần thứ ba. Chẳng bao lâu, bà nổi lên như người thừa kế chính trị rõ ràng của gia tộc, trong khi các em trai bà đảm nhiệm công việc kinh doanh.

Sau khi ông Nawaz bị loại khỏi chức Thủ tướng vào năm 2017, bà Maryam đã nỗ lực đảm nhận vai trò lớn hơn trong đảng PMLN. Tuy nhiên, vài ngày trước cuộc bầu cử mà bà Maryam dự định tham gia (2018), một tòa án ở Thủ đô Islamabad đã kết án bà về tội tham nhũng cùng với chồng và cha. Tòa án phán quyết loại bà khỏi cuộc bầu cử trong 1 thập kỷ. Nhưng 1 năm sau, bà được tuyên trắng án trong khi ông Nawaz phải sống lưu vong ở Vương quốc Anh và mới trở về vào tháng 10-2023.

Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra trên chuyến bay đưa cha con bà Maryam tới Lahore ngay trước cuộc bầu cử năm 2018, bà đã nói về việc mình từng là người hiền lành, nhã nhặn và ngoan ngoãn. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong 4 năm cha bà làm Thủ tướng. Bà kể về việc cha đã chịu áp lực, bị tấn công như thế nào. Và thế là từ một người mau nước mắt, bà đã trở nên dũng cảm và mạnh mẽ.

Pakistan là quốc gia đa số người dân theo đạo Hồi đầu tiên có Thủ tướng là nữ giới. Đó là khi Thủ tướng Benazir Bhutto lên nắm quyền vào năm 1988 và giành tiếp chiến thắng lần hai vào năm 1993. Cả bà Maryam và bà Bhutto đều sinh ra từ những gia tộc nổi tiếng của chính trường Pakistan. “Thực tế, nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quyền lực một phần là do dòng dõi xuất thân của họ. Giống như những nhà lãnh đạo nữ giới khác, bà Maryam sẽ phải làm việc gấp 2 để chứng minh mình là một nhà lãnh đạo chính trị xứng đáng” - chuyên gia Kirmani nói.

Giới quan sát cho rằng, nhiệm kỳ của bà Maryam có thể sẽ không hề dễ dàng. Theo nhà bình luận chính trị Asma Shirazi, thách thức lớn nhất là khôi phục uy tín của PMLN tại một tỉnh được coi là pháo đài của đảng này. Còn học giả Afiya Shehrbano Zia - nhà hoạt động vì quyền của giới cho rằng, bà Maryam nên giữ lấy bản sắc riêng: “Nếu bà ấy tạo được hình ảnh về một phụ nữ nhân ái nhưng mạnh mẽ thì có thể đạt được danh tiếng, nhưng nó không hiệu quả. Bà ấy phải tạo ra bản sắc riêng của mình, điều này sẽ đòi hỏi sự kiên cường, vượt qua những người đàn ông Punjab”.

Phó Giáo sư Nida Kirmani tại Đại học Khoa học quản lý Lahore nhận xét, việc bà Maryam được bầu làm Thủ hiến bang Punjab không chỉ là một chiến thắng trong việc trao quyền cho phụ nữ, mà chắc chắn là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử chính trị Pakistan. “Người ta hy vọng rằng bà ấy sẽ sử dụng vị trí của mình để thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới ở tỉnh Punjab và là tấm gương để cả nước noi theo” - vị giáo sư nói.

Yên Vũ / ANTĐ