Sự cố Điện Kremlin bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) được đánh giá là diễn biến có thể đẩy cuộc xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa, sau khi Nga cảnh báo về khả năng tiến hành bước đi trả đũa thích đáng "ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào cần thiết".
- Một hãng hàng không châu Á nhận được cơ hội hiếm có từ chiến sự Nga-Ukraine
- Mỹ rút vũ khí từ kho, cấp khẩn trương 300 triệu USD viện trợ quân sự mới cho Ukraine
- Mỹ cảnh báo công dân về không kích tên lửa ở Ukraine
Chưa đầy một tuần trước khi buổi lễ duyệt binh hoành tráng thường niên mừng Ngày Chiến thắng 9/5 được tổ chức trên Quảng trường Đỏ với sự hiện diện của lãnh đạo Nga và nhiều vị khách quốc tế quan trọng, Nga cáo buộc Ukraine vào đêm 3/5 (giờ địa phương) triển khai hai UAV vũ trang tập kích dinh thự của Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn viên Điện Kremlin, nhưng chúng đều bị đánh chặn, RiaNovosti đưa tin. Các đoạn video do truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy, một trong hai UAV bị hạ trước khi tiếp cận Điện Kremlin, chiếc còn lại nổ phía trên mái vòm tòa nhà Thượng viện Nga và gây ra một đám cháy nhỏ.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov, Tổng thống Putin không có mặt ở khu vực vào thời điểm xảy ra vụ tập kích mà làm việc tại dinh thự ở ngoại ô Moscow. Phía Nga cũng nhấn mạnh họ coi sự việc là "vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch trước" nhắm vào Tổng thống Putin, đồng thời nêu rõ Nga sẽ tiến hành các động thái trả đũa thích đáng "ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào cần thiết". Đáng chú ý, ngày 4/5, ông Peskov bất ngờ cáo buộc Mỹ cũng có dính líu đến vụ tấn công nêu trên.
Sau tuyên bố của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng bác bỏ liên quan đến vụ việc. Từ Phần Lan, ông Zelensky cam đoan lực lượng nước này "không tấn công ông Putin hay thủ đô Moscow" mà chỉ "chiến đấu trên lãnh thổ của mình". "Chúng tôi thậm chí còn chả đủ vũ khí để làm điều đó", ông Zelensky nói, nhắc tới tình trạng thiếu hụt vũ khí để phòng thủ và phản công. "Đó là lí do tại sao chúng tôi không tấn công ông Putin". Trước đó cùng ngày, quan chức Văn phòng Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, nước này không liên quan đến sự việc, cho rằng, tấn công Điện Kremlin "không mang lại kết quả gì" và không thay đổi cục diện chiến trường, đồng thời chỉ khiến Nga "hành động quyết liệt hơn".
Từ Washington, Nhà Trắng cho biết, họ chưa thể xác minh độ chính xác của các cáo buộc đồng thời quả quyết Washington không khuyến khích Ukraine tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Khi được hỏi liệu Mỹ có chỉ trích Kiev trong trường hợp họ tấn công lãnh thổ Nga hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu rằng, "Ukraine có quyền tự quyết".
Ủy ban điều tra Nga hiện đã mở một cuộc điều tra về vụ việc nhưng chưa ban bố lệnh bắt giữ nào. Do mức độ nghiêm trọng của sự cố, giới quan sát lo ngại vụ tập kích nêu trên có thể kéo theo những bước đi quyết liệt của Moscow trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, vào thời điểm Kiev chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công mà họ cho là có thể tạo ra bước ngoặt trên chiến trường. Ngày 4/5, Cựu Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhận định, cuộc tấn công bằng UAV nhắm vào Điện Kremlin khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "loại bỏ ông Zelensky và nhóm của ông ta". Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, ngày 3/5 cho biết sẽ "yêu cầu sử dụng vũ khí có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt" người đứng sau vụ tập kích.
Ở bên kia biên giới, chỉ trong vài giờ gần nhất, Ukraine ít nhất hai lần kích hoạt báo động không kích ở Kiev và nhiều đô thị lớn. Một loạt tiếng nổ lớn sau đó được ghi nhận ở Kiev và thành phố Odessa bên bờ Biển Đen. Phía Ukraine loan báo, họ đã đánh chặn 18/24 UAV mà Nga triển khai, nhưng đã hứng chịu một số thiệt hại dưới mặt đất ở Odessa. Nga gần đây nhiều lần sử dụng chiến thuật triển khai UAV trước để gây nhiễu phòng không ở Ukraine rồi mới khai hỏa tên lửa hành trình vào các mục tiêu quan trọng để gia tăng hiệu quả tác chiến.
Trong diễn biến liên quan, FoxNews ngày 4/5 dẫn thông báo của Lầu Năm Góc xác nhận họ đang chuẩn bị gửi cho Ukraine gói viện trợ quân sự thứ 37 trị giá khoảng 300 triệu USD, bao gồm lượng lớn đạn pháo, lựu pháo, rocket và các loại đạn dược khác phục vụ phản công. Thay vì đặt hàng nhà sản xuất, toàn bộ số vũ khí trong gói viện trợ nêu trên sẽ được rút từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc nên chúng sẽ rất nhanh chóng được đưa ra tiền tuyến ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin sau đó cảnh báo việc phương Tây bơm vũ khí để Ukraine phản công chỉ gây thêm đổ máu thay vì mang lại kết quả tích cực. "Kiev và phương Tây đang làm chệch hướng mọi sáng kiến đàm phán hòa bình khi họ kêu gọi đánh bại Nga", ông Galuzin nói. "Việc phương Tây bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine một cách thiếu cân nhắc và vô trách nhiệm, đồng thời ủng hộ Kiev phản công sẽ chỉ làm leo thang xung đột".
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/buoc-ngoat-nguy-hiem-trong-cuoc-xung-dot-o-ukraine-i692365/