Cán bộ y tế cơ sở ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã soạn sẵn biểu mẫu, hoặc bắt dân tự viết tay giấy "cam kết không tiêm chủng" rồi điểm chỉ, ký vào đó. Khi bệnh dịch bạch hầu khởi phát, lây lan thì ngành y tế Đắk Nông lại đổ trách nhiệm cho dân...
Đắk Nông hiện đang dẫn đầu Tây Nguyên về số ca nhiễm bệnh bạch hầu với 30 người, trong đó 2 ca tử vong. Khi bệnh xuất hiện, bùng phát và lây lan ra nhiều địa phương khác thì ngành y tế Đắk Nông đã họp báo, cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về người dân... Đó là phát biểu của ông Hà Văn Hùng -Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông (từ hôm 8.7).
Theo ông Hùng, "việc để ổ dịch đã xảy ra ở cộng đồng, là ý thức của người dân còn hạn chế, rất thiếu sự hợp tác. Có trường hợp đang giữ giấy cam kết không tiêm chủng. Họ bảo, chích về bị sốt, thế này thế kia… Họ chỉ quan tâm vấn đề đời sống khó khăn tập trung đi rẫy, đi nương. Khi nào nhớ thì tiêm, không nhớ thì thôi".
Quả thật, khi phóng viên báo Lao Động đi vào tâm dịch bạch hầu thì phát hiện rất nhiều hộ dân ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông đã ký, điểm chỉ vào giấy \'\'cam kết không đi tiêm chủng mở rộng\'\'.
Cho đến khi có phát hiện này thì ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông mới thừa nhận: \'\'Việc cán bộ y tế địa phương soạn giấy cam kết không đi tiêm chủng mở rộng cho người dân điểm chỉ hoặc ký vào, chấp nhận gánh mọi trách nhiệm về sau là sai, là trái với quy định.
Theo quy định của Nhà nước, nếu người dân không tiêm chủng thì cán bộ y tế phải kết hợp với chính quyền, các đoàn thể xã hội để vận động, tuyên truyền, thuyết phục dân. Thậm chí có quyền cưỡng chế. Nhưng cán bộ y tế xã đã soạn ra giấy cam kết tức là đã dùng biện pháp hành chính đổ trách nhiệm cho dân. Cách làm này không được phép\'\'.
Điều đáng nói là việc buộc dân điểm chỉ, ký vào mẫu viết sẵn "cam kết không tiêm chủng mở rộng" đã được cán bộ y tế cơ sở ở Đắk Nông thực hiện liên tiếp nhiều năm nay như một hình thức phủi bỏ trách nhiệm của mình. Vậy bây giờ khi dịch bùng phát, lây lan, chết người thì ai chịu trách nhiệm? Với chữ ký, dấu vân tay điểm chỉ vào "Giấy cam kết không tiêm chủng" do cán bộ y tế soạn sẵn thì họ phải tự gánh lấy hậu quả? Cán bộ y tế dự phòng có vô can?
Chưa kể những tốn kém khổng lồ về công sức, tiền của mà chính quyền, ngành y tế phải bỏ ra để khoanh vùng, dập dịch, chữa bệnh cho nhân dân nhiều địa phương khác. Thành quả của ngành y, công tác y tế dự phòng bị phá hỏng có thể bắt đầu từ những sơ xuất, thiếu trách nhiệm của các cán bộ y tế cơ sở này.
Vì vậy, không thể nói đơn giản là "vì Trung tâm y tế huyện Đắk Glong phê bình công tác tiêm phòng không đạt nên cán bộ y tế nơi đây mới bất đắc dĩ soạn giấy cam kết để đối phó" như cách giải thích của ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông. Không thể chỉ thừa nhận sai sót và "chỉ đạo Trạm y tế Quảng Hòa dừng cách làm trên lại, không được tái diễn"- như giải pháp của CDC Đắk Nông hiện nay.
Chính quyền và ngành y tế Đắk Nông cần phải rà soát, thậm chí điều tra để làm rõ trách nhiệm của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Có như vậy mới mong ngăn chặn được các dịch bệnh xuất hiện, bùng phát như bạch hầu trong tương lai.
Thanh Hải
Sợ dịch bạch hầu "hoành hành", dân TPHCM đổ xô đi tiêm vắc-xin dịch vụ Từ khi ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại TPHCM và một số tỉnh tại Tây Nguyên, nhiều người dân lo lắng và đổ xô ... |
WHO: Bệnh sởi bùng phát ở quy mô mạnh nhất trong lịch sử nhân loại Trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018 và đây được ... |