Từ 15-10 tới đây, hoạt động buôn bán hàng “xách tay” sẽ bị xử phạt tối đa đến 100 triệu đồng theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng liệu mức phạt này đã đủ mạnh để ngăn chặn hàng “xách tay” hiện vẫn ào ào vào thị trường Việt Nam?
Hàng “xách tay” vẫn “tranh thủ” vào thị trường Việt Nam |
Phạt nặng hành vi buôn hàng lậu
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP (Nghị định 98), hàng nhập lậu gồm: hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.
Căn cứ vào quy định trên, hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng là hàng hóa nhập lậu. Nghị định 98 quy định, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500 nghìn - 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Trong đó, mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng được áp dụng với hành vi buôn lậu hàng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu - 100 triệu đồng.
Đặc biệt, với hàng hóa nhập lậu là hàng cấm, hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương), Nghị định 98 đã cụ thể hóa các quy định trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng hiện hành. Đây sẽ là một trong những công cụ để ngăn chặn hành vi buôn bán hàng xách tay tại Việt Nam hiện nay.
Mua hàng “xách tay” quá dễ
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến lúc Nghị định 98 có hiệu lực, tuy nhiên thị trường hàng “xách tay” vẫn sôi động và chưa có dấu hiệu sắp xếp lại hoạt động. Chị Ngọc Nga - một đầu mối buôn hàng “xách tay” cho biết: “Trên nhiều thị trường nước ngoài, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời điểm giao mùa nên hàng hóa đang giảm giá (sale off) rất nhiều. Chúng tôi tranh thủ “đánh” hàng thời điểm này để được giá tốt, phù hợp với đông đảo người dùng Việt Nam hơn”.
Theo dõi trang cá nhân của người bán hàng này có thể thấy có ngày chị Nga đăng 4-5 bài giới thiệu các mẫu giày khác nhau, nhận được đơn đặt hàng đến 100 đôi giày mỗi loại. Với giá bán giảm còn khoảng từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/đôi, giá trị hàng hóa của người bán này có thể lên tới gần 100 triệu/ngày. Căn cứ vào Nghị định 98, giá trị hàng hóa này có thể bị phạt vài chục triệu đồng.
Tương tự, chị Quỳnh Hoa - chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng “xách tay” cho biết: “Khoảng chục năm trước, muốn mua hàng “xách tay” hơi khó, phải đặt hàng rồi chờ đợi. Hiện tại thì người bán quá nhiều, người mua thích hàng có sẵn đều được đáp ứng. Đặc biệt là việc kinh doanh trên mạng xã hội nở rộ thì hàng “xách tay” càng tiếp cận được nhiều khách hàng người Việt hơn. Khi mở cửa hàng kinh doanh, nhiều lần lực lượng chức năng cũng tới kiểm tra chúng tôi, xử phạt vì hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nhưng kinh doanh trên mạng thì dễ hơn”. Theo chị Quỳnh Hoa, vốn kinh doanh hàng xách tay khá lớn, ít cũng phải có 300-400 triệu đồng.
Trên thị trường hàng “xách tay”, giá hàng hóa dao động rất lớn chưa kể đến hàng “xịn” và hàng “rởm”. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hàng “xách tay” cũng có năm bảy kiểu. Xuân Tú - một đầu mối kinh doanh hàng xách tay từ Australia cho hay: “Vận chuyển hàng về nước bây giờ quá dễ, các mối vận chuyển đăng tìm kiếm khách, giá cả công khai trên mạng, người kinh doanh chỉ cần tìm mối uy tín. Còn về hàng hóa thì ngay tại thị trường Australia cũng có cả hàng chính hãng và hàng giả, giá cả chênh nhau rất nhiều. Người mua không chuyên khó mà phân biệt được”. Do đó, theo anh Xuân Tú, người tiêu dùng trong nước đa số còn ít thông tin về hàng hóa “xách tay”, từ bao bì, nhãn mác “chuẩn” ra sao còn chưa rõ thì cần cẩn trọng với những sản phẩm giá rẻ.
Trong một nhóm Facebook có hàng nghìn thành viên chuyên mua bán hàng “xách tay”, các thành viên vẫn đăng bài gom hàng đều đặn. Trên nhóm này, chỉ cần Facebook giảm tương tác, không cho người bán đăng ảnh, hoặc các hãng hàng hóa đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, buộc người bán phải “lách” bằng cách viết khác như: sale đồ Hát Mờ (H&M), túi C.o.ach (túi Coach), s.ale 500ka (sale 500k)… đều được các thành viên chia sẻ, cảnh báo sớm để cùng nhau bán hàng tốt hơn, hàng hóa hiển thị như bình thường được cập nhật rất nhanh chóng. Tuy vậy, thông tin quy định về xử phạt hành vi kinh doanh hàng “xách tay” có thể bị phạt nặng theo Nghị định 98 thì không ai để ý tới, cho thấy người bán vẫn thờ ơ với quy định này.
Có chặn được hàng “xách tay”?
Theo đại diện Tổng cục QLTT, hàng “xách tay” sẽ không bị xem là vi phạm nếu cá nhân đem từ nước ngoài về với mục đích sử dụng, biếu, tặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường buôn bán kiếm lời thì phải khai báo rõ ràng và nộp thuế, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Hàng hóa “xách tay” xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Theo cách hiểu của người tiêu dùng thì hàng “xách tay” cao cấp hơn hàng Trung Quốc vẫn thẩm lậu vào Việt Nam lâu nay. Chúng chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch và có xuất xứ từ các nước Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và được sản xuất bởi các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Do đó, hàng “xách tay” ngày càng được ưa chuộng.
Nhận định về khả năng ngăn chặn hàng “xách tay” tràn vào, gây khó khăn cho sản xuất trong nước và có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, một chuyên gia về thị trường cho rằng, thực tế hàng xách tay và hàng Trung Quốc vẫn có đất sống là do người Việt Nam sính ngoại, hợp túi tiền và có niềm tin vào chất lượng hàng ngoại. “Khi nào hàng hóa trong nước có giá cả, chất lượng, mẫu mã, số lượng cạnh tranh được với các loại hàng hóa này thì nó sẽ tự bị thu hẹp lại.
Đây là quy luật cung cầu bình thường. Còn việc ngăn chặn hành vi buôn lậu là trách nhiệm của lực lượng chức năng, nhưng vấn đề này không phải giải quyết ngay được”. Theo vị này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ. Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Còn để ngăn chặn tận gốc, cần phải phát triển sản xuất trong nước, đồng thời tiến hành các chính sách thuế, hải quan…
Tết nhà giàu, bình anh đào trái vụ, hàng ngoại xách tay giá chục triệu Hoa anh đào Nhật Bản vẫn luôn là mặt hàng hot thị trường hoa Tết năm nay. Nhiều người sành chơi sẵn sàng chi vài ... |
89% người Việt vẫn thích hàng nội địa Nhiều người tiêu dùng cho biết họ không còn mê hàng giá rẻ như trước. |
Hàng xách tay Năm 2017, khi ở Mỹ, tôi được nghe về một số sinh viên bỏ học, kiếm sống bằng sữa công thức. |