Thế giới ghi nhận gần 81,6 triệu ca nCoV và gần 1,8 triệu ca tử vong, WHO cho rằng Covid-19 chưa phải dịch bệnh nguy hiểm nhất.

Thế giới ghi nhận 81.585.733 ca nhiễm và 1.779.986 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 481.835 và 8.824 ca một ngày, trong khi 57.678.549 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm hơn Covid-19 có thể bùng phát trong tương lai và kêu gọi thế giới chuẩn bị nghiêm túc.

"Đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Đại dịch này rất nghiêm trọng, nó lây lan rất nhanh và ảnh hưởng mọi khu vực trên thế giới, nhưng chưa hẳn là dịch bệnh nguy hiểm nhất. Tỷ lệ tử vong hiện nay vẫn tương đối thấp nếu so với nhiều dịch bệnh mới nổi, chúng ta cần chuẩn bị cho những căn bệnh nghiêm trọng hơn trong tương lai", ông nói.

0900 mexico covid

Binh sĩ Mexico tiêm vaccine của Pfizer tại một trạm y tế lưu động hôm 28/12. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 174.688 ca nhiễm và 1.781 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 19.723.899, trong đó 342.733 người chết. Theo đại học John Hopkins, cứ 1.000 người Mỹ lại có một người chết vì Covid-19.

Mỹ đã triển khai tiểm chủng hơn 2,1 triệu liều vaccine Covid-19. Giới chức Mỹ từ ngày 28/12 yêu cầu hành khách lên các chuyến bay từ Anh đến nước này cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu ủy ban chống Covid-19 của Mỹ, cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận biến chủng Covid-19 ở Anh, nhưng thêm rằng nó cũng chưa cho thấy khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn hoặc kháng vaccine. Ông ủng hộ quyết định của các quan chức Mỹ về yêu cầu người nhập cảnh vào Mỹ phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Anh, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận 2.329.730 ca nhiễm và 71.109 ca tử vong, tăng lần lượt 41.385 và 357 trường hợp.

Anh hôm 14/12 phát hiện chủng nCoV mới, có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do chủng mới và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.

Hàng chục quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của chủng nCoV này.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.072 ca nhiễm và 250 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.224.797 và 148.190.

Các bang tại Ấn Độ đang truy vết những người đến từ Anh đã nhập cảnh vào nước này trong vài tuần qua để xét nghiệm nCoV và giải trình tự gene để xác định người nhiễm chủng virus mới từ Anh. Dù chưa có kết quả chính thức, một số bang đã xác định được ca nhiễm mang chủng virus mới, bao gồm 21 người ở Delhi, 18 người ở Telangana.

Giới chức Ấn Độ đã thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 424 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 191.570. Số người nhiễm nCoV tăng 20.548 ca trong 24 giờ qua, lên 7.504.833.

Brazil hôm 24/12 tuyên bố đình chỉ các chuyến bay đến từ Anh và cấm nhập cảnh với những người đã ở Anh trong 14 ngày qua do lo ngại về biến chủng nCoV từ nước này.

Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Viện Butantan hôm 23/12 thông báo vaccine Trung Quốc CoronaVac được thử nghiệm ở nước này đã đáp ứng ngưỡng hiệu quả do cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa đặt ra.

Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 2.960 ca nhiễm và 363 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.562.646 và 63.109. Pháp ngày 25/12 ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên là một công dân Pháp sống ở Anh.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo Pháp không loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ ba nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Giới chức Y tế nước này lo ngại bùng phát đợt dịch thứ ba sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.818 người chết, tăng 121, trong tổng số 1.206.373 ca nhiễm, tăng 5.908. Tổng thống Iran Hassan Rounani tiếp tục phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc thanh toán vaccine, dù Washington đã chấp thuận để Tehran chuyển tiền tới một ngân hàng Thụy Sĩ để mua vaccine của COVAX.

Iran áp lệnh giới nghiêm ban đêm tại 330 thành phố được đánh giá ít có nguy cơ lây lan Covid-19 nhằm duy trì đà giảm số ca nhiễm. Lệnh giới nghiêm từ 21h đến 4h sáng, vốn đã được áp dụng tại 108 thành phố với mức rủi ro lây nhiễm trung bình, sẽ mở rộng sang cả những khu vực có mức rủi ro thấp ở khu vực đô thị.

Hàn Quốc ghi nhận 808 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 57.680, trong đó 819 ca tử vong, tăng 11 ca so với hôm trước. Hàn Quốc tuyên bố sẽ mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế Covid-19 lây lan đến ngày 3/1, trong bối cảnh liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục mỗi ngày.

"Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình trong tuần tới và quyết định có điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội trước ngày 3/1, khi những biện pháp cách ly đặc biệt dành cho ngày lễ cuối năm kết thúc hay không", Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol nói.

Nhật Bản báo cáo 3.252 người chết, tăng 39 ca, trong tổng số 220.236 ca nhiễm, tăng 2.924 trường hợp. Chính phủ nước này đã tuyên bố cấm nhập cảnh từ tất cả các quốc gia để ngăn sự lây lan của biến chủng nCoV ở Anh.

Tokyo những ngày gần đây cũng ghi nhận ca nhiễm nCoV tăng đột biến, trong bối cảnh Nhật Bản sắp bước vào kỳ nghỉ năm mới, thời điểm dòng người từ thủ đô bắt đầu đổ về các tỉnh khắp cả nước.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 719.219 ca nhiễm, tăng 5.854, trong đó 21.452 người chết, tăng 215. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.

Philippines báo cáo 470.650 ca nhiễm và 9.124 ca tử vong, tăng lần lượt 766 và 15 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano hôm 28/12 cho biết một số bộ trưởng đã được tiêm vaccine Covid-19. Tư lệnh lục quân Philippines Cirilito Sobejana thông báo binh sĩ nước này cũng được tiêm vaccine nhưng với số lượng không lớn. Cả hai quan chức đều không cho biết loại vaccine được sử dụng.

Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines Rolando Enrique Domingo khẳng định nước này chưa phê duyệt sử dụng loại vaccine Covid-19 nào, khiến việc nhập khẩu, phân phối hoặc bán chúng là phi pháp.

Vũ Anh (Theo Reuters)

WHO nói biến thể COVID-19 mới ở Anh không đáng lo WHO nói biến thể COVID-19 mới ở Anh không đáng lo
Chuyên gia WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19 Chuyên gia WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19

/ vnexpress.net