Người dân phản ánh việc thi công sửa chữa 2 hồ thủy lợi Tây và Đông Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) khiến hàng trăm hecta cây cà phê chết do thiếu nước tưới tiêu

Thời gian qua, nhiều diện tích cà phê ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị chết dần do thiếu nước khiến người dân thiệt hại nặng nề.

ca phe chet kho ben ho thuy loi

Nhiều vườn cây cà phê chết dần bên cạnh 2 hồ thủy lợi Đông và Tây Di Linh

Trong ngày 5-3, nhiều người dân tại các tổ dân phố 3, 13, 15... của thị trấn Di Linh, huyện Di Linh phải "mót" những giọt nước ít ỏi tại hồ thủy lợi Tây Di Linh để tưới cho cây cà phê đang héo khô.

Hì hục kéo từng cuộn ống dẫn nước, ông Nguyễn Văn Tú (tổ dân phố 13, thị trấn Di Linh) cho biết gia đình ông có gần 3 ha cà phê bị khô hạn. "Nhiều hộ dân xót khi nhìn thấy cà phê chết dần đã thuê máy đào, máy múc thành rãnh dọc, ngang ngay giữa lòng hồ để tìm nước nhưng vẫn bất lực" - ông Tú lo lắng.

Theo nhiều hộ dân nơi đây, trung bình mỗi hecta cà phê năng suất đạt khoảng 3,5-4,5 tấn/năm (cà phê nhân). Thế nhưng, trước tình trạng thiếu nước ngay cạnh hồ thủy lợi hiện nay, hàng trăm hecta cây trồng bị ảnh hưởng, nhiều vườn cà phê rơi vào tình trạng chết khô, rụng lá trơ cành, không đậu trái.

Các hộ dân cho biết việc cây cà phê chết dần do thiếu nước tưới vì ảnh hưởng từ dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Tây và Đông Di Linh. Cụ thể, việc thi công hệ thống kênh công trình của 2 hồ này và đường tránh ngập hồ Ka Ka, huyện Di Linh (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư) khiến cho nước ở các hồ này cạn kiệt ngay đầu mùa khô. Đã nhiều lần người dân phản ánh nhưng chủ đầu tư vẫn không bảo đảm lưu lượng nước phục vụ tưới tiêu.

Theo giải thích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do thời tiết năm 2017 mưa nhiều nên việc thi công hồ Đông và Tây Di Linh chậm tiến độ, đường thi công lầy lội không thể vận chuyển vật tư khiến lịch tích nước dự kiến tuy bắt đầu từ ngày 15-9-2017 song vẫn không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Khá, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, lại cho rằng: "Nhiều diện tích cây cà phê chết hiện nay chưa thể khẳng định là do thiếu nước tưới bởi công tác chống hạn cho cây trồng được UBND huyện Di Linh chỉ đạo quyết liệt, mực nước các hồ Đông và Tây Di Linh vẫn đang được bảo đảm". Theo ông Khá, có thể các hộ gia đình có cà phê già cỗi, năng suất thấp, chờ tái canh giống mới nên mới xảy ra tình trạng trên. Ông Khá còn quả quyết vừa qua, đơn vị thi công yêu cầu xả nước ở các hồ Đông và Tây để xây dựng các hạng mục tiếp theo nhưng vì đang vào mùa khô nên UBND huyện không đồng ý vì lo ngại hụt nước tưới của người dân.

Phát biểu của ông Khá bị nhiều nông dân phản đối. Những người ở phía thượng nguồn hồ thủy lợi Tây Di Linh cho rằng do ảnh hưởng từ thi công dự án trên, lượng nước tích của hồ chỉ đủ phục vụ tưới tiêu khoảng 50%-60% diện tích.

Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh công trình hồ thủy lợi Đông và Tây Di Linh có tổng diện tích 410 ha, tổng kinh phí đầu tư 63 tỉ đồng. Trong đó vốn vay ADB hơn 52 tỉ đồng, vốn đối ứng 10 tỉ đồng. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 3-2017, dự kiến nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng vào ngày 25-7-2018. Ông Đinh Dũng Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, thừa nhận dự án có chậm tiến độ.

"Tuy nhiên, có thể khẳng định công trình thi công dự án không ảnh hưởng đến người dân. Chúng tôi sẽ đôn đốc các bên liên quan cố gắng thực hiện hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất" - ông Tuấn nói.

ca phe chet kho ben ho thuy loi ĐBSCL không nên chủ quan với hạn, mặn

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay được dự báo thấp hơn đợt mặn lịch ...

ca phe chet kho ben ho thuy loi Triệt phá ổ cờ bạc tại quán cà phê, tạm giữ nhiều đối tượng

Lực lượng chức năng bất ngờ ập vào quán cà phê, bắt giữ nhiều đối tượng đang sát phạt nhau trên chiếu bạc, thu giữ ...

ca phe chet kho ben ho thuy loi Sài Gòn bước vào mùa cao điểm nắng nóng

Từ nay đến giữa năm 2018, thời tiết Nam Bộ không có biến động quá lớn; tuy nhiên, tháng 3 là cao điểm nắng nóng ...

/ https://nld.com.vn