Các bệnh viện của Hà Nội đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện xác định giá kế hoạch cho gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ tháng 1/2024.
- Bị tố kê khai giá khám chữa bệnh 'trên trời', đại diện Bệnh viện K nói gì?
- Bệnh viện ở Đà Nẵng 'khát' thiết bị y tế: Bệnh nhân chạy xuôi chạy ngược tới nơi khác phẫu thuật
Lo mua đắt lại phải giải trình!
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 25/8 với sự tham gia của giám đốc các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và trực tuyến tới 300 đầu cầu, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết, họ đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo Thông tư 14/2023/TT-BYT trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ tháng 1/2024.
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Thông tư 14 của Bộ Y tế đã gỡ được rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, Thông tư 14 quy định bệnh viện có thể thành lập hội đồng nhưng hội đồng này gồm những thành phần nào, tiêu chuẩn hội đồng ra sao, có phải là hội đồng khoa học hay hội đồng mua sắm của bệnh viện hay không thì lại chưa rõ ràng.
“Ví dụ, Bệnh viện Đức Giang có Hội đồng đấu thầu thì các thành phần tham gia phải có chứng chỉ đấu thầu, nhưng Thông tư 14 lại không quy định rõ về hội đồng nào và tiêu chí hội đồng thế nào, điều này rất khó cho các bệnh viện thực hiện”, TS Thường nói.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nêu vướng mắc nữa trong phân nhóm các loại trang thiết bị y tế: “Ví dụ, trang thiết bị y tế của các hãng khác nhau, có tiêu chí khác nhau, giờ phải phân nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4… để đấu thầu lựa chọn. Tuy rằng trong Thông tư được lựa chọn giá cao nhất, nhưng căn cứ vào cái gì để chọn cũng chưa rõ ràng? Đây là điểm khó để các bệnh viện thực hiện”.
Ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết, thời gian qua các bệnh viện rất vất vả trong công tác mua sắm và giải trình sau mua sắm. Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024 đã tháo gỡ được nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, để thực hiện được Luật Đấu thầu, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn.
Hiện các bệnh viện còn e dè về xác định giá đấu thầu. TS Nguyễn Văn Thường cho biết, có những loại thuốc bệnh viện không thể trúng thầu do vấn đề giá. Việc đấu thầu qua mạng hiện còn khó khăn. 100% bệnh viện ở Hà Nội không thể triển khai được xã hội hóa vì không làm được hướng dẫn xác định tài sản công, đặc biệt xác định giá trị thương hiệu.
Giá là một trong những vướng mắc mà các bệnh viện đề xuất gỡ khó. GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Luật Đấu thầu sắp được áp dụng, chúng tôi luôn trăn trở và lo lắng làm thế nào để mua hàng hóa giá hợp lý và mua được hàng hóa đạt chất lượng mình muốn, chọn hàng hóa tốt mà không vi phạm hồ sơ đấu thầu. Nhưng hiện nay khó nhất với giám đốc các bệnh viện là không thể biết hết các loại giá của hàng hóa đấu thầu tập trung, chủ yếu các loại giá này được trình từ các phòng, ban cấp dưới. Người đứng đầu bệnh viện lo nhất mua phải giá đắt thì phải giải trình”.
GS Ánh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Y tế cần quan tâm ban hành giá trang thiết bị y tế, công bố khung giá cụ thể và mỗi năm cập nhật lại về giá. Từ đó, các bệnh viện có thể căn cứ mức giá mua được sản phẩm phù hợp.
Kiến nghị lên Bộ Y tế
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: “Chúng tôi đang tập hợp những khó khăn này để có văn bản kiến nghị Bộ Y tế trong quá trình thực hiện. Tại hội thảo, chúng tôi cũng mời các thành viên ban soạn thảo thông tư, các chuyên gia giải đáp thắc mắc cho lãnh đạo các bệnh viện hiểu về Thông tư 14 một cách thống nhất và nhất quán để triển khai Thông tư trong các cơ sở khám, chữa bệnh”.
Tuy nhiên, để việc này khả thi, ngành y tế cần sự đồng thuận của người dân cũng như sự am hiểu của giám đốc bệnh viện, để biến quy định thành hoạt động thực tiễn phù hợp với từng mô hình bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn cụ thể nhất với các bệnh viện trên địa bàn.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, các văn bản mới ban hành đã tạo hành lang cho cơ sở y tế phát triển, thu hút người dân. Khi đạt được chất lượng dịch vụ đi kèm giá dịch vụ, người dân sẽ tin vào cơ sở y tế trong nước, không cần phải đi nước ngoài điều trị.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng y tế Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn tiên tiến hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần nâng cao năng lực, vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới.
Ngành y tế Hà Nội sẽ có chiến lược xây dựng hệ thống y tế tốt, nâng cao năng lực người đứng đầu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám, chữa bệnh.