Một tuần trước khi cuộc gặp dự kiến diễn ra, người Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận sự tham gia của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC.
Các chuyên gia cho rằng, niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chưa đủ nhiều để cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra sắp tới có được những kết quả đáng kể.
Chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không tham gia cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập với mong muốn cải thiện đáng kể hoặc thiết lập lại mối quan hệ. Thay vào đó, cuộc gặp sẽ nhằm mục đích quản lý và ổn định mối quan hệ song phương, cải thiện liên lạc và giảm bớt những hiểu lầm.”
Nếu các cuộc đàm phán diễn ra mà không gặp trở ngại lớn nào, điểm cộng lớn sẽ là thông điệp mà hai nhà lãnh đạo gửi tới bộ máy tương ứng của họ, rằng việc tái tham gia các hoạt động song phương, dù có dè dặt, sẽ trở lại chương trình nghị sự.
Bonny Glaser cho biết: “Điều quan trọng nhất là nó gửi tín hiệu đến hệ thống của họ rằng hai bên cần phải đối thoại và phần còn lại của hệ thống sẽ đi vào hoạt động. Có thể sẽ khó thực hiện được nhiều việc hơn nếu không có cuộc họp cấp cao hơn đó".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
Khó có tuyên bố chung
Các lĩnh vực có thể đem đến kết quả trong cuộc gặp bao gồm thỏa thuận để đàm phán sâu hơn hoặc hợp tác ở mức khiêm tốn về biến đổi khí hậu, fentanyl và trí tuệ nhân tạo. Một lĩnh vực khác đã chín muồi để tiến hành là cải thiện liên lạc giữa Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc, khi các kênh quân sự bị gián đoạn sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan 14 tháng trước.
Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa có khả năng đạt được từ bên kia những gì họ mong muốn.
Đối với Mỹ, đó là sự đảm bảo rằng những hành vi “liều lĩnh” và các động thái hung hãn của tàu, máy bay chiến đấu và các lực lượng bán dân sự “vùng xám” của Trung Quốc sẽ chấm dứt và các đường dây nóng hiệu quả cũng như các kênh liên lạc khác sẽ được mở nếu có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó là nối lại cam kết nghiêm túc về ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí và đàm phán hạt nhân. Mặc dù hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán hiếm hoi về kiểm soát vũ khí và một cuộc họp về Biển Đông trong những ngày gần đây, nhưng các cuộc đàm phán này đều được dẫn dắt bởi các nhà ngoại giao chứ không phải quân đội.
Chuyên gia Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Tôi không nghĩ họ muốn cuộc khủng hoảng thực sự có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, mặc dù họ muốn những rủi ro cao hơn sẽ buộc các bên khác phải rút lui”.
Đối với Trung Quốc, đó là sự chấm dứt các mức thuế trừng phạt do chính quyền ông Donald Trump áp đặt - chương trình vẫn tiếp tục dưới thời ông Biden. Một ưu tiên lớn khác là chấm dứt các hạn chế xuất khẩu của Mỹ do Washington áp đặt với Trung Quốc trong chất bán dẫn cao cấp và các công nghệ khác có tiềm năng ứng dụng quân sự.
Jude Blanchette từ CSIS cho biết: “Họ đang dần hiểu rằng chính quyền Biden đang theo đuổi một con đường thậm chí còn hung hãn hơn chính quyền Trump về mức độ phức tạp, bề rộng và phạm vi trong hạn chế về công nghệ”.
Bắc Kinh coi cuộc gặp sắp tới là cơ hội để cố gắng thay đổi quỹ đạo này, hoặc ít nhất là tìm cách hãm lại tốc độ hành động của Mỹ.“Tôi nghĩ họ sẽ thất vọng”, Blanchette nói thêm.
Bắc Kinh cũng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo đối với các chính sách về Đài Loan.
Các nhà phân tích cũng cho biết, Trung Quốc quan tâm đến việc giảm bớt căng thẳng - ngay cả khi điều đó chỉ kéo dài đến tháng 11/2024 (thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ) - để họ có thể tập trung vào các vấn đề trong nước khác.
Glaser bình luận: “Người Trung Quốc quan tâm đến việc ổn định mối quan hệ trong thời gian ngắn. Đó là chiến thuật chứ không phải chiến lược. Việc ổn định quan hệ trong năm tới sẽ là điều tốt, ngay cả khi có một tổng thống Mỹ mới. Và họ cần thêm thời gian cho nền kinh tế của mình".
Những kết quả sau ống kính
Một kết quả quan trọng khác sẽ diễn ra ngoài phạm vi camera khi cả hai cố gắng đánh giá lẫn nhau, theo các chuyên gia.
Đối với người Trung Quốc, điều đó bao gồm việc đánh giá xem phía Mỹ cam kết như thế nào đối với các hạn chế xuất khẩu công nghệ của họ; và có bao nhiêu khoảng trống trong chiến lược “sân nhỏ hơn, hàng rào cao hơn” của Washington khi hạn chế chặt chẽ hơn đối với số ít mặt hàng hơn.
Đối với người Mỹ, điều này có nghĩa là đánh giá xem liệu ông Tập coi trọng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đến mức nào.
“Điều quan trọng nhất có được từ cuộc gặp với ông Tập không phải là kết quả đạt được. Đó là khả năng nhìn thẳng vào mắt ông ấy và vừa cố gắng hiểu một chút về cách ông ấy suy nghĩ về các vấn đề, vừa để nhận được một số thông điệp từ ông ấy”, Cooper, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Nhưng những chuyên gia khác nói rằng khả năng đem đến hiểu biết sâu sắc của cuộc gặp cũng khá thấp.
Jeffrey Moon, người sáng lập China Moon Strategies, một công ty tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chúng tôi cho rằng họ sẽ có một cuộc trò chuyện thực sự, nhưng trên thực tế, nhiều cuộc trong số này được viết kịch bản rất kỹ và liên quan đến việc đọc đi đọc lại các bài báo. Đây không phải là một cuộc trò chuyện quá thoải mái".
https://vtc.vn/cac-chuyen-gia-du-doan-gi-ve-cuoc-gap-giua-lanh-dao-my-trung-ar833095.html