Trong chiều nay (8/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ đề xuất Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐPCTT) với các địa phương ứng phó với bão Côn Sơn, đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết, để phòng chống dịch bệnh COVID-19, địa phương này đang có 27 xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là những địa phương ven biển có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn khi mưa lũ xảy ra.

Do đó, địa phương kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp các khu vực này bị ảnh hưởng của bão, việc di dời sẽ cần những điều kiện gì. Đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương ven biển khác trong cuộc họp.

Theo báo cáo của BCĐPCTT, thông tin cập nhật nhanh ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn (với rủi ro thiên tai cấp 3) trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân ven biển (cụ thể: Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100 dân); 114.091 người dân ven sông và ngoài đê; 70.770 người dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.

Chiều nay, các địa phương lên kịch bản về di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh -0

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chỉ đạo cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) lưu ý việc các tỉnh cần chuẩn bị cụ thể các kịch bản di dời dân, “bởi dù bão đổ bộ vào Philippines đi nữa thì với cường độ mạnh cấp 11 và giật cấp 13 thì nhiều tỉnh ven biển vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão này”, ông Hoài nhấn mạnh.

Hiện nhiều nơi đang thực hiện Chỉ thị 16, nên việc dự báo sát thực hơn cùng với ứng phó linh hoạt của các địa phương không chỉ với bão CONSON mà trong toàn bộ mùa mưa bão này hết sức cần thiết.

Ông Trần Quang Hoài cho biết, ngay chiều nay sẽ đề xuất Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay. Ông Hoài cũng cho biết thêm, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp cùng UNICEF và các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra các ứng phó trong nhiều kịch bản thiên tai được đăng tải trên các hệ thống truyền thông về Phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương lưu ý và tham khảo. Tuy nhiên, ông Hoài nhấn mạnh: “Thông tin chính thống nhất về việc phản ứng y tế trong tình trạng thiên tai vẫn phải được cập nhật từ Bộ Y tế”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ngay trong chiều nay có kịch bản về di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh hiện nay gửi về Văn phòng BCĐPCTT để phối hợp kịp thời ứng phó với bão CONSON. “Trong đêm nay nếu tình hình phức tạp thì đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng dọc tuyến biển bắn pháo hiệu để đảm bảo an toàn”, Ông Hoài nhấn mạnh.

Chi Linh

Huy động hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó bão Conson Huy động hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó bão Conson
Bão Conson có thể đổ bộ đất liền nước ta đêm 12/9, giật cấp 13 Bão Conson có thể đổ bộ đất liền nước ta đêm 12/9, giật cấp 13

/ cand.com.vn