Bộ GDĐT đang soạn Thông tư lấy ý kiến về việc hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT mới đây tổ chức họp báo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được soạn theo chương trình mới, bắt đầu giảng dạy từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, thực tế khi đưa vào áp dụng, các địa phương phải tự mở hội đồng lựa chọn sách giáo khoa riêng, chọn bộ sách duy nhất theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Tiêu chí về thành phần tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các tỉnh sẽ do Bộ GD&ĐT quy định. Trước mắt, thành phần bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, UBND tỉnh sẽ xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại tỉnh mình.
Sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 được Bộ GD&ĐT duyệt sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2020-2021. (Ảnh: Anh Thư) |
Bộ GD&ĐT cho biết, để thực hiện việc này, Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, đồng thời không quy định các địa phương phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ sách.
Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa của Bộ sẽ linh hoạt, đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương. Dự thảo Thông tư này đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn địa phương, Nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Cần đảm bảo minh bạch, công khai
Trước vấn đề một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, dư luận cho rằng, cần thông tin rộng rãi, minh bạch về quy trình lựa chọn, biên bản thẩm định sau 2 vòng với sách giáo khoa của Hội đồng thẩm định (Bộ GD&ĐT) đến các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người dân.
Trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay, biên bản của hai vòng thẩm định sách giáo khoa rất chi tiết và mang tính kỹ thuật. Có những biên bản lên tới 40 trang. Vì thế nếu công khai tất cả các biên bản thẩm định thì sẽ rất nhiều và có những nội dung kỹ thuật mà khi công khai có thể người đọc không nắm bắt được.
Ông Tài khẳng định: "Chúng tôi sẽ tính toán, có thể biên tập lại nội dung kết luận của hội đồng thẩm định, nếu công khai". Ông cũng cho biết sự lo ngại trước ý kiến công khai chế bản sách giáo khoa trên mạng, do vấn đề này liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và Luật xuất bản.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), khi xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa, Bộ đã lường đến những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình chọn sách.
Vì vậy, Bộ sẽ quy định cụ thể việc giao các tỉnh xây dựng tiêu chí chọn sách phù hợp với quy định chung, nhưng thích hợp nhất với điều kiện riêng ở mỗi địa phương, xây dựng quy trình làm việc của hội đồng chọn sách.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: Anh Thư) |
Ông Thành cũng cho biết dự thảo thông tư chọn sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT quy định việc thành lập hội đồng, thành viên hội đồng. Trong đó sẽ có quy định giao các thành viên phải tiếp cận ý kiến của giáo viên trong trường và phụ huynh tại địa bàn của mình. Các ý kiến này sẽ trở thành cơ sở cho việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa đưa vào giảng dạy.
Trước câu hỏi quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh sẽ ra sao khi mỗi địa phương lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, sẽ ra sao khi các em chuyển trường, ông Thành cho biết, điểm khác biệt của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với trước là việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình.
Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá quá trình cũng như trong các kỳ thi cuối cấp sau này sẽ căn cứ vào chương trình. Đề thi sẽ được xây dựng theo hướng đổi mới, không lệ thuộc vào một ngữ liệu nào để học sinh học sách giáo khoa nào cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu của đề bài.