Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, ngày 28/11, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã chuyển đơn của bà và ông Vũ Dương Khuê cùng một số công dân đến Bộ Công an về việc tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).
- Shark Thủy lại vướng chuyện huy động vốn đầu tư nhưng không thực hiện như cam kết
- Vì sao Soya Garden được Shark Thuỷ đầu tư hơn 100 tỉ đóng cửa hàng loạt?
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ông Vũ Dương Khuê, bà Phạm Thị Thu Lộc và một số công dân ký đơn, trú tại TP Hà Nội đã gửi đơn lên Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày và tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup và Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame, địa chỉ nhà 25T1 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, bà cùng ông Vũ Dương Khuê đại diện cho nhóm 171 người có đơn thưa ông Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 226 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến 2022, qua giới thiệu của bạn bè, người quen nhóm của bà được biết Nguyễn Ngọc Thủy, còn gọi là Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn 15%/năm.
“Vì tin tưởng danh tiếng, uy tín của Nguyễn Ngọc Thủy thông qua hệ thống Anh ngữ Apax và chương trình “Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank” trên VTV3 nên chúng tôi đã nộp cho Nguyễn Ngọc Thủy lên đến vài trăm tỉ đồng như danh sách thống kê chi tiết tại đơn tố cáo gửi kèm. Tất cả chúng tôi đều được saler dụ nộp tiền vào để lấy lãi nhưng sau 1 tháng mới trả hợp đồng cho chúng tôi. Khi đọc hợp đồng, chúng tôi có hỏi sao lại là cổ đông của Egroup thì saler trả lời rằng: Không cần quan tâm đến cổ đông, mà chỉ biết sau 1 năm lấy lãi về là 15%... Tất cả hợp đồng đều in sẵn và có nội dung giống nhau. Dù hứa hẹn sẽ thanh toán lãi suất cho chúng tôi theo hợp đồng, nhưng trên thực tế, Nguyễn Ngọc Thủy đã gian dối, dùng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt số tiền trên của tôi”, bà Tuyết cho hay.
Ngoài Egame, ông Nguyễn Ngọc Thủy còn lập ra nhiều công ty con khác nhằm huy độn vốn từ rất nhiều người dân hòng chiếm đoạt tiền của họ như: OZen Group, Apax Holding (gồm Apax English, Apax Leader)... Các công ty này đã phát hành rất nhiều trái phiếu như: Trái phiếu AE lô 1, lô 2; Trái phiếu IG lô 1, lô 2, trái phiếu Edu Infra; Trái phiếu Hợp đồng hợp tác kinh doanh... để huy động tiền nhưng đến giờ cũng không trả cho nhà đầu tư bất kỳ một khoản nào cả gốc và lãi. Trái phiếu có thời hạn trả 3 tháng/lần, nhưng ông Thủy không trả bất kỳ khoản tiền lãi nào cho các trái chủ theo hợp đồng đã ký kết. Có nhiều người dù chưa lấy được một đồng nào nhưng công ty đã làm hợp đồng chuyển nhượng và thanh lý luôn hợp đồng đó.
Tại TP Hồ Chí Minh, anh Trần Văn Nghiêm, đại diện cho các phụ huynh đòi lại học phí đã đóng cho các trung tâm Anh ngữ Apax Leader nhưng con chưa được học hoặc đang học dở dang cho biết, đã nộp đơn tập thể với hơn 230 phụ huynh đến Sở Giáo dục - Đào tạo và cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Tổng giám đốc Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders với hành vi có liên quan đến hoạt động mở cửa, đóng cửa và giảng dạy online có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại các trung tâm Apax Leaders. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm việc để trả lại tiền cho phụ huynh. Anh Nghiêm cho biết, trong tuần này sẽ tiếp tục gởi đơn đến các cơ quan chức năng.