Mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có gần 100.000 lượt khách đi/đến, nhưng trên mỗi chuyến xe buýt lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
- Đẩy mạnh hoạt động tổ phản ứng nhanh sân bay Tân Sơn Nhất
- Xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Tình trạng xe cá nhân, taxi, xe công nghệ hoạt động quá nhiều trong một không gian chật hẹp khiến công tác quản lý rất khó khăn, dẫn đến tình trạng lộn xộn từ trong ra ngoài.
Rất ít hành khách lựa chọn đi xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất, do phải chờ lâu và lộ trình chưa hợp lý. Ảnh: Phan Tư
Có xe buýt, khách vẫn đổ xô đi taxi, xe công nghệ
14h15 chiều 18/9, sân bay Tân Sơn Nhất tấp nập khách đi đến. Thời điểm này có khá nhiều chuyến bay hạ cánh.
Vừa đáp chuyến bay từ sân bay Phú Bài (Huế) vào Tân Sơn Nhất, chị Đoàn Minh Hương dùng điện thoại để đặt xe ô tô công nghệ về nhà ở đường An Dương Vương, quận 8 với mức giá 243.000 đồng.
Chúng tôi hỏi vì sao không chọn xe buýt để đi, vé chỉ 5.000 đồng, chị cho hay: “Xe buýt 152 về bến cuối cùng ở khu dân cư Trung Sơn, Bình Chánh, cách nhà tôi cũng mấy km. Từ đó lại phải bắt thêm một phương tiện khác về nhà, còn nếu đi tiếp xe buýt phải thêm 2 chuyến nữa, mất thời gian lắm”.
Tương tự, anh Lê Trọng Đức vừa hạ cánh và tìm phương tiện về nhà ở Bình Phước. Qua tìm hiểu, anh Đức chọn xe dịch vụ hợp đồng với mức tiền gần 500.000 đồng. Chờ khoảng 10 phút là có xe đến, nhân viên hỗ trợ đưa hành lý của anh ra xe để đi.
“Nếu có xe buýt từ sân bay về trung tâm Đồng Xoài (Bình Phước) với giá phải chăng thì tôi cũng chọn xe buýt nhưng tuyến này chưa có. Muốn đi xe buýt phải ra Bến xe Miền Đông, mất thời gian di chuyển mấy lượt. Thôi tốn tiền chút mà có xe đưa về tận nhà”, anh Đức chia sẻ.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 3 tuyến xe buýt hoạt động, bao gồm: Tuyến 152 lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - Khu dân cư Trung Sơn, tuyến 72-1 lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - Vũng Tàu và tuyến 109 lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1).
Những ngày qua, PV Báo Giao thông liên tục có mặt tại sân bay để ghi nhận hoạt động của các tuyến xe buýt này.
Ngoài tuyến xe buýt 72-1 từ sân bay về Vũng Tàu có đặc thù là về thành phố du lịch nên có lượng khách tương đối, tầm khoảng 10 khách trên loại xe 16 chỗ, hai tuyến còn lại luôn trong tình trạng vắng khách.
16h45' ngày 16/9, tuyến xe buýt 152 xuất bến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chiếc xe to rộng có 25 ghế ngồi và nhiều chỗ đứng cũng chỉ có 12 khách. Nhưng đây là chuyến mà chúng tôi ghi nhận có nhiều khách đi xe buýt nhất trong những ngày qua.
Tài xế nhích từng chút một, len lỏi giữa làn xe ô tô, xe gắn máy. Cả hành khách và nhân viên đều sốt ruột.
Hơn một tiếng đồng hồ, chiếc xe buýt vượt qua nhiều cửa ải trên quãng đường chỉ 13km để về đến khu dân cư Trung Sơn, chậm 15 phút so với kế hoạch. Ở chiều ngược lại từ Khu dân cư Trung Sơn vào sân bay không có hành khách nào.
Lúc 18h20, tuyến buýt 109 của Công ty Phương Trang, loại xe 14 chỗ ngồi mới khai trương cũng xuất bến ở Tân Sơn Nhất, trên xe chỉ có 2 hành khách.
Vì sao buýt ít được lựa chọn?
Tuyến buýt 152 đi từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh chỉ có duy nhất 1 hành khách đón tại làn B ga quốc nội, vào lúc 11 giờ, ngày 14/9
Mặc dù được các cơ quan quản lý kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất, tuy vậy các tuyến xe buýt đến nay vẫn hoạt động chưa hiệu quả như mong muốn.
Việc tăng cường thêm các tuyến xe buýt vào sân bay để tăng thêm lựa chọn cho hành khách mỗi khi đi đến Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cách bố trí và thời gian dừng chờ của xe buýt ở sân bay khiến khách khó lựa chọn.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, việc cho xe buýt chỉ được dừng 3 phút để đón, trả khách như xe cá nhân là chưa hợp lý.
Bởi xe cá nhân chỉ một hoặc vài người đi, trong khi xe buýt phục vụ nhiều người. Tính chất của xe buýt là phải có điểm đầu cuối, thời gian dừng chờ phải lâu hơn để khách có thời gian tiếp cận.
Anh Huỳnh Thanh Tấn, tài xế xe buýt 109 cho biết, có khi vừa đến trạm ở làn B, xe cá nhân đã đậu chiếm mất chỗ, xe buýt không tấp vào đón khách được. “Thời gian dừng 3 phút là quá ít, có khách tới chưa kịp lên xe mà chúng tôi buộc phải xuất bến vì đã hết giờ”, anh Tấn nói.
Thực tế cho thấy, thời gian để hành khách di chuyển từ trong nhà ga quốc nội ra phía ngoài làn B để đón xe về nhà ít nhất cũng 5 phút. Vì vậy nhiều trường hợp khách ra chưa đến kịp vị trí là xe buýt đã chạy rồi.
Thêm vào đó, mỗi chuyến xe buýt giãn cách nhau 20 phút, trong khi vào giờ cao điểm các chuyến bay liên tục hạ cánh, hàng nghìn khách đổ ra cùng một lúc, khi đó không có xe buýt để đi.
Đối nghịch với làn xe buýt, ở làn C, hoạt động của xe taxi, xe công nghệ luôn nhộn nhịp. Thời điểm có nhiều chuyến bay hạ cánh cùng lúc, hành khách phải xếp hàng chờ gần 30 phút mới có taxi để về.
Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - Futa Bus Lines, đơn vị vận hành tuyến buýt 109 cho rằng, xe buýt chỉ có 3 phút dừng đón khách là quá ít, không đủ để đón khách lên xe.
Nhiều trường hợp xe vừa rời đi thì có nhiều chuyến bay hạ cánh. Hành khách lại phải chờ đợi hoặc lựa chọn đi taxi.
“Tôi đề xuất tăng thời gian chờ đón khách của xe buýt tại sân bay. Khi tuyến buýt 109 hoạt động, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tăng tần suất chuyến lên 10 phút, thậm chí 5 phút để phục vụ tốt hơn thay vì 20 phút mới có một chuyến như hiện tại”, ông Ánh khẳng định.
Cần sớm triển khai trạm trung chuyển
Tuyến buýt 109 đi từ ga quốc tế qua làn B ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 10 giờ, ngày 15/9 những không có 1 hành khách nào
Việc thay đổi thời gian xe buýt dừng chờ khách hoặc tăng tần suất hoạt động nhiều hơn là những việc có thể điều chỉnh trong những ngày tới để hành khách tiếp cận với xe buýt dễ hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, về lâu dài cần có những chính sách đồng bộ để hoạt động xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất thực sự thu hút khách. Bởi với hạ tầng hiện nay, khi lượng khách tăng lên, không thể đáp ứng đủ cho xe cá nhân, taxi, xe công nghệ hoạt động.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai cho rằng, trước mắt cần có các trạm trung chuyển địa phương cho hành khách đi lại ra vào sân bay.
Cụ thể, ở một số điểm đầu mối tại các quận quanh sân bay trong vòng bán kính 2 - 3km cần có các trạm trung chuyển và có các xe buýt trung chuyển hành khách.
Trạm này sẽ có chức năng đón khách đi sân bay bằng những loại xe buýt trung chuyển để đưa hành khách đến sân bay hoặc từ sân bay về nhà. Điều này sẽ giúp taxi, xe công nghệ hạn chế vào sân bay, giảm ùn tắc, lộn xộn, bát nháo ở cửa ngõ sân bay như hiện nay.
Theo ông Mai, cần nghiên cứu cho các hướng từ phía Thủ Đức, Bình Thạnh... về sân bay cần đặt trên khu vực gần trục đường Hoàng Văn Thụ. Hướng từ quận 2, Nhà Bè, quận 7, 1, 3, Phú Nhuận và một phần Tân Bình nên đặt trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sĩ.
Phía các quận Bình Chánh, Bình Tân, 11... nên đặt trên trục Hoàng Văn Thụ. Phía Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú... đặt trên trục Trường Chinh hoặc Cộng Hòa... Để xác định đúng, cần có một khảo sát tỉ mỉ về lưu lượng, dòng xe để xác định vị trí.
“Trong bán kính từ sân bay đến các trạm trung chuyển đó, cần nghiên cứu có các tuyến đường dàn h riêng - ưu tiên cho xe buýt sân bay. Có như vậy, hành khách mới ưu tiên lựa chọn xe buýt đi vào sân bay”, ông Mai góp ý.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cho rằng, xe buýt vào sân bay đón hành khách là hợp lý nhưng cần phải chú trọng phát triển loại xe buýt trung chuyển và thiết lập các điểm trung chuyển.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần có kế hoạch nghiên cứu làm xe buýt trung chuyển từ sân bay ra công viên Hoàng Văn Thụ, trung tâm chợ Bến Thành, hoặc công viên 23/9.
“Để nhiều xe buýt to vào sân bay thực ra không tốt vì với không gian nhỏ hẹp như sân bay sẽ không có chỗ đậu mà cần có xe buýt trung chuyển”, ông Tính nói.
Theo ông Tính, nên ưu tiên xe buýt trung chuyển ra công viên Hoàng Văn Thụ vì trong bán kính gần, có thể hoạt động 24/24h, từ đây sẽ vận chuyển hành khách đi ra các trạm theo nhu cầu của hành khách vào trung tâm hoặc ra các bến xe…
Sẽ tăng thêm tuyến buýt vào sân bay
Theo ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, để giải quyết các bất cập vấn đề xe buýt trong sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố nên triển khai sớm phương án sử dụng khu đất hơn 3.500m2 ở góc đường Bạch Đằng làm bãi đệm xe buýt, taxi. Có bãi đệm để hoạt động, các tuyến xe buýt sẽ được bổ sung giúp hành khách có nhiều lựa chọn về lộ trình và chủ động sử dụng phương tiện công cộng.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngoài 3 tuyến buýt hiện hữu, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang nghiên cứu để sớm đưa thêm nhiều tuyến xe buýt, kể cả các tuyến xe buýt vòng vào đón, trả khách ở sân bay và khu vực lân cận. “Trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch để tuyến xe buýt 103 lộ trình bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe Ngã Tư Ga đi vòng vào sân bay, tăng thêm lựa chọn về lộ trình cho hành khách”, ông Hưng nói.
Chưa có đề xuất tăng thời gian dừng đón khách
Theo ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến nay chưa có đề xuất chính thức nào của các đơn vị quản lý xe buýt đề cập đến vấn đề thời gian dừng đón khách trên 3 phút tại sân bay là quá ngắn.
“Quy định không dừng đón khách 3 phút hiện nay là phù hợp với tình hình chung do Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế”, ông Cương nói và cho rằng, việc hành khách chưa chủ động đi xe buýt về bản chất xuất phát từ lý do các điểm trả khách không phù hợp, phải đón nhiều lượt xe mới có thể về đến nhà. Thời gian di chuyển lâu cũng khiến nhiều hành khách cảm thấy bất tiện. Ngoài ra, phương thức triển khai tuyến và quảng bá đến hành khách cần được xem xét, đánh giá để tăng sự hiệu quả.
https://www.baogiaothong.vn/cach-nao-hut-khach-di-xe-buyt-tan-son-nhat-d566518.html