Lấy mẫu vật trên mặt biển, nghe lén đối phương là những cách xác minh thành tích diệt tàu ngầm phát xít Đức trong Thế chiến II.
Tàu tuần duyên Mỹ thả bom chìm tấn công tàu ngầm Đức năm 1943. Ảnh: AP. |
Trong Thế chiến II, tàu săn ngầm luôn gặp thách thức lớn khi phải xác nhận số lượng mục tiêu bị diệt. Tàu ngầm đối phương thường ẩn mình dưới lòng biển và nhanh chóng chìm khi bị trúng đạn, trong khi không phải lúc nào cũng có lực lượng hỗ trợ trong khu vực để công nhận thành tích. Phe Đồng minh đã triển khai một loạt giải pháp để giải quyết vấn đề này, theo Business Insider.
Khi tàu ngầm bị đánh chìm, có một số dấu hiệu giúp xác nhận việc nó bị phá hủy như vệt dầu nổi lên, quần áo, tài liệu và vật dụng cá nhân của thủy thủ đoàn, thậm chí là thi thể của họ. Chỉ huy tàu săn ngầm có thể ra lệnh lấy mẫu nước biển hoặc vết dầu loang để đưa về xác minh.
Tàu chiến Anh trong Thế chiến II thường múc váng dầu, nước biển và thu gom mảnh vỡ sau mỗi trận đánh và cất vào kho. Các mẫu vật này sẽ được ưu tiên cất trữ trong tủ lạnh trên tàu để bảo quản cho tới khi trở về cảng.
Khi tàu cập cảng, các sĩ quan tình báo sẽ lấy những thùng này để xác nhận thành tích diệt tàu ngầm địch, cũng như thu thập mọi thông tin liên quan. Các tập tài liệu và mảnh vỡ tàu ngầm thường là bằng chứng rõ ràng nhất, nhưng đôi khi một mẫu dầu loang cũng đủ để tính thành tích.
Những bằng chứng như vậy là rất quan trọng, một số tàu săn ngầm không được công nhận thành tích vì không thu được mẫu vật nào.
Ngoài ra, còn một số cách khác xác nhận mục tiêu bị tiêu diệt như sử dụng hệ thống định vị thủy âm (sonar). Nếu tàu chiến phát hiện tiếng vỡ vụn hoặc tiếng nổ dưới lòng biển trước khi đối phương biến mất, họ có thể công nhận việc đã diệt được tàu ngầm địch.
Thủy thủ tàu ngầm Đức bơi về tàu chiến Anh sau khi bị đánh chìm năm 1943. Ảnh: AP. |
Phe Đồng minh cũng có thể chặn thu liên lạc của đối phương, nhằm đối chiếu với các tuyên bố diệt mục tiêu của chiến hạm săn ngầm.
Tuy nhiên, một số chỉ huy tàu ngầm đã đối phó với phương thức này bằng cách phóng nhiều mảnh vỡ từ ống ngư lôi vào lòng biển khi bị tấn công. Bong bóng khí thoát ra cùng những mảnh vỡ nổi lên mặt biển có thể khiến tàu săn ngầm tưởng đối phương đã bị tiêu diệt. Điều này giúp tàu ngầm có cơ hội trốn thoát.
Do đó, để bảo đảm xác thực, chỉ huy tàu săn ngầm thường tìm cách vớt các thi thể nổi lên mặt nước. Tàu ngầm hiếm khi chở theo xác chết, nên bằng chứng kiểu này có sức thuyết phục cao nhất.
Sau chiến tranh, chính phủ các nước thường xuyên trao đổi tài liệu giúp xác định thời gian và số lượng tàu ngầm bị tiêu diệt. Thành tích của một số chiến hạm săn ngầm cũng tăng hoặc giảm nhờ việc kiểm tra chéo này.
Duy Sơn
Dàn hỏa lực diệt tàu ngầm trên chiến hạm Nga đang thăm Việt Nam Tàu khu trục chống ngầm lớp Udaloy được trang bị dàn hỏa lực cực mạnh với tên lửa và ngư lôi chuyên dùng cho nhiệm ... |