Tình trạng trùng trùng, điệp điệp các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, bất cập, làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư khiến mới đây Chính phủ đã chỉ đạo “các bộ, ngành phải đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ngày 18.10, tại cuộc tọa đàm được truyền hình trực tuyến với chủ đề “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” trên website và fanpage của Báo Lao Động điện tử, đại diện các Bộ Công Thương, Xây dựng, Y tế đều khẳng định quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh chủ đề này.

- Thưa ông, hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay đã và đang gây ảnh hưởng như thế nào đối với các doanh nghiệp?

- Ông Đậu Anh Tuấn: ĐKKD hiện tại đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh. Trước hết là tạo ra sự phức tạp và chi phí thực hiện cao. Hiện tại, theo thống kê thì số lượng ĐKKD đã lên đến 5.000 điều kiện.

Và theo nhiều đánh giá, nghiên cứu thì số lượng ĐKKD đang tăng lên và tạo ra môi trường kinh doanh chưa thực sự dễ dàng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đây là một trong những điều kiện trọng tâm cần thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng đây là một xu hướng hoàn toàn phù hợp và Việt Nam cần phải cải cách ĐKKD mạnh mẽ hơn nữa để có những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

- Ông có thể nói rõ hơn các điều kiện kinh doanh này đang gây ảnh hưởng ra sao? Và việc gỡ bỏ các “rào cản” này sẽ có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Phải nói đến độ phức tạp của hệ thống ĐKKD, do có nhiều tên gọi, nhiều tầng nấc khác nhau, chẳng hạn như ĐKKD “con”, ĐKKD “cháu”, tạo ra thủ tục tuân thủ rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng để tuân thủ các ĐKKD này có thể rất tốn kém, mất nhiều thời gian và rất rủi ro vì bỏ nhiều công sức nhưng chưa chắc đã có hiệu quả.

Điểm nữa là ĐKKD không minh bạch, tùy thuộc vào chủ quan của người áp dụng, chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, quá trình cải cách trong thời gian tới cần giảm tính phức tạp, tăng tính minh bạch của hệ thống quy định về ĐKKD, phải phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ đích cuối cùng là phải góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.

- Theo ông, vì sao các ĐKKD lại trở thành “rào cản” đối với các doanh nghiệp và điều này có gây ảnh hưởng làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Mong muốn của các nhà quản lý là làm sao để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước. Nhưng chúng tôi cho rằng, đích cuối cùng của quản lý Nhà nước không phải là để quản lý Nhà nước mà là đảm bảo quyền lợi của người dân, bảo vệ môi trường, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển. Quản lý Nhà nước là phương tiện chứ không phải là đích cuối cùng.

Chính vì vậy, theo quan điểm của các nước thì đặt ra ĐKKD hay can thiệp trực tiếp vào ĐKKD, giới hạn quyền tự do kinh doanh là quyền quan trọng quy định trong Hiến pháp và Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chỉ trong trường hợp thật cần thiết và không có giải pháp khác. Hay nói cách khác, đặt ra các ĐKKD là giải pháp cuối cùng.

Bởi đặt ra các ĐKKD là hạn chế quyền tự do kinh doanh, tạo ra các chi phí tuân thủ rất lớn kể cả ngay chính với các cơ quan Nhà nước, đồng thời tạo ra một gánh nặng rất lớn cho DN, nhà đầu tư. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho họ và quan trọng hơn là tạo ra chi phí rất lớn cho nền kinh tế và người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh. Nếu chỉ một vài doanh nghiệp được cấp phép thì họ sẽ không có động lực để giảm giá thành, cải thiện dịch vụ.

Về lâu dài sẽ làm cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và nền kinh tế. Bởi vậy, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là cải cách ĐKKD cần đặt trên lợi ích chung của nền kinh tế, của cộng đồng kinh doanh chứ không phải đặt trên nhu cầu của một bộ ngành quản lý.

- Ông đánh giá như thế nào về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ ngành hiện nay?

- Trước hết, ĐKKD tạo ra rất nhiều hệ quả lâu dài, to lớn đối với các doanh nghiệp. Nó tạo ra tính độc quyền, ngăn cản các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Chẳng hạn như ĐKKD vận tải ôtô phải có tối thiểu 50 xe ở đô thị lớn và 20 xe ở các đô thị nhỏ, rồi yêu cầu về niên hạn xe.

Tại sao tôi có 5 -7 xe, chất lượng cao nhưng tôi không được kinh doanh vận tải mà nhất thiết phải có 50 xe? 50 xe có nghĩa là đầu tư ban đầu rất lớn. Chính những điều kiện kinh doanh như vậy đã loại bỏ ra khỏi thị trường rất nhiều những doanh nghiệp tiềm năng, mà theo quy luật tự nhiên phải có nhiều DN nhỏ kinh doanh thành công mới có DN vừa và DN lớn, chứ không thể có DN lớn ngay lập tức được...

Bởi vậy, ĐKKD cần phải hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và các yêu cầu quan trọng khác. Còn tổ chức cách thức kinh doanh thế nào cho hiệu quả nên để doanh nghiệp và thị trường quyết định.

- Ông có kiến nghị như thế nào về cải cách các điều kiện kinh doanh?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách ĐKKD đang có những dấu hiệu tích cực. Bộ Công Thương công bố công khai cắt giảm 675 ĐKKD trong lĩnh vực của mình. Đây là tín hiệu rất tích cực. Nếu Bộ Công Thương thực hiện được đề xuất tham vọng này thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn.

Được biết, Bộ GTVT cũng đang tiến hành rà soát, Bộ Y tế cũng đã soạn thảo Nghị định 38 về an toàn thực phẩm, đặt trọng tâm là cắt giảm ĐKKD và đơn giản hóa thủ tục, giảm nhẹ các ĐKKĐ vốn rất ngặt nghèo, khó khăn trước đây. Chúng tôi mong chờ không khí cải cách ĐKKD mạnh mẽ, thực chất trong thời gian tới.

Về lâu dài, chúng tôi cho rằng cần kiểm soát việc đặt ra các điều kiện kinh doanh mới, song song với việc rà soát và bãi bỏ ĐKKD hiện tại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét ban hành nghị định về ĐKKD. Chúng tôi trông chờ nghị định này sẽ đặt ra tiêu chuẩn, quy trình để ban hành các ĐKKD để làm sao kiểm soát được các ĐKKD mới, có sự tham gia phản biện của các cơ quan độc lập.

- Câu hỏi cuối, chuyển tư duy quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ gặp những khó khăn như thế nào, thưa ông?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện nay, VN có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sắp tới sẽ có khoảng 1 triệu thậm chí tới vài triệu DN. Tuy nhiên, chuyển sang quản lý nhà nước theo hình thức hậu kiểm không có nghĩa là phải kiểm soát hàng triệu DN này và cũng không thể kiểm soát hết được.

Giải pháp đặt ra là ứng dụng CNTT để kết nối liên thông các cơ quan quản lý, làm sao để Hải quan cũng có thể có thông tin về hoạt động môi trường, hay sản xuất kinh doanh của DN. Cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng dữ liệu của nhau để kiểm tra mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của DN.

Tiếp đến là áp dụng việc kiểm tra theo rủi ro, tức là chỉ tập tung vào các DN, địa bàn, cá nhân có nguy cơ sai phạm cao. Các DN đã từng sai phạm thì sẽ nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý, sẽ bị quản lý chặt hơn. Điều này cũng đưa ra thông điệp là nếu anh muốn thuận lợi, muốn giảm thủ tục hành chính thì phải làm ăn rất nghiêm túc.

Điểm thứ 3 khi tiến hành hậu kiểm là phải phát huy vai trò giám sát của tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội bảo vệ môi trường, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hiệp hội DN, phát huy vai trò của DN trong việc giám sát lẫn nhau, vai trò giám sát của báo chí, người dân...

Cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ là một phần trong chủ thể giám sát và khi đó, DN chịu sự giám sát của cộng đồng sẽ không thể vi phạm pháp luật.

- Xin cảm ơn ông.

Dẹp điều kiện kinh doanh là dẹp nhóm lợi ích

Những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo đã từng bước đi ...

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Không phải để đưa ra con số cho đẹp!

Con số 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm sẽ chẳng nói lên điều gì nếu việc cắt giảm ấy không mang ...

Xin hãy cẩn trọng, thưa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Trong khi tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tính chuyện dán tem cho bia các loại. ...

(https://laodong.vn/kinh-te/cai-cach-manh-me-dieu-kien-kinh-doanh-doanh-nghiep-nguoi-dan-duoc-loi-571042.ldo)

/ Theo Hồng Quân/Lao động