Thắng lớn về doanh thu của nhiều vở cải lương tuồng cổ gần đây khiến người trong giới tin rằng bộ môn nghệ thuật này sẽ hồi sinh nếu nỗ lực và biết cách làm
Năm năm qua, sàn diễn cải lương tại TP HCM chỉ bám vào các sự kiện để hoạt động, trong khi các đơn vị tư nhân vẫn không rời thị trường, đầu tư cho cải lương tuồng cổ, nơi có lượng khán giả trung thành, nhờ vậy cải lương tuồng cổ có cơ hội hồi sinh trong gian khó.
4 vở diễn thắng lớn
Thời gian qua, sàn diễn cải lương tuồng cổ được ghi nhận thắng lớn với 4 vở diễn thu hút đông khán giả một cách bất ngờ, đó là: "Má hồng soi kiếm bạc", "Loạn chiến phụng hoàng cung", "Ngai vàng và tội ác", "Dương gia tướng".
Trái ngược với tình hình bán vé không mấy khả quan trước kia, các suất diễn của 4 vở này thu hút khán giả đến kín rạp. Mức đầu tư không cao, chỉ từ 150-200 triệu đồng/vở. Sau nhiều suất diễn, người đầu tư có thể lấy lại vốn và phát sinh lãi.
Không chỉ trùng hợp về số lượng người xem đông, 4 vở diễn này đã tạo sức mạnh cho những đêm "cải lương tuồng cổ lan tỏa", khiến nghệ sĩ và khán giả mộ điệu đều hân hoan. Các vở "Thất tiên nữ", "Anh hùng bán than", "Truyền thuyết hồ đoạt mệnh"…chuẩn bị ra mắt khán giả.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nội dung 4 kịch bản nói trên vốn có nhiều xung đột, tạo được sức hút từ vũ đạo, âm nhạc, trang phục và cảnh trí sân khấu. Khâu dàn dựng không còn chắp vá, luộm thuộm. Yếu tố mỹ thuật trong thiết kế sân khấu được cộng hưởng với ánh sáng hiện đại, kỹ xảo điện tử làm tôn thêm vẻ đẹp của cải lương tuồng cổ.
Âm nhạc trong vở diễn được phối mới qua tài năng của nhạc sĩ Thái An, nhạc sĩ Minh Tâm (em ruột NSND Thanh Tòng) và nhạc sĩ Thanh Dũng (con trai NSƯT Bửu Truyện). Trang phục không còn mang tính tùy tiện, diêm dúa, lòe loẹt mà có bàn tay thiết kế tạo thêm sự sang trọng, quý phái cho từng nhân vật.
NSƯT Trường Sơn nói: "Các vở này, sử dụng bài bản âm nhạc tuồng cổ đúng chỗ, đúng tình huống. Không có sự cách biệt quá lớn giữa dàn dựng, diễn xuất, cảnh trí. Tiết tấu vở diễn được chăm chút, tạo sự sinh động cho sân khấu. Diễn viên được chọn hợp với tính cách nhân vật, ngôn ngữ cải lương tuồng cổ kết hợp biểu hiện nội tâm nên nhân vật có thần sắc trong từng vai diễn".
Cảnh trong "Xử án Phi Giao" - vở cải lương tuồng cổ do Kim Tử Long đạo diễn - đã thu hút khán giả đến với các suất diễn tại Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Quân đội
Nỗi lo "đèn treo trước gió"
Nghệ sĩ Chí Linh tâm sự không ngờ khán giả còn thương cải lương tuồng cổ đến như vậy. Tuy nhiên theo anh, cải lương tuồng cổ còn đó nhiều nỗi lo. Âu lo lớn nhất của vị đạo diễn có nhiều vở ấn tượng này muốn nói là "đèn cải lương tuồng cổ tuy sáng nhưng treo trước gió".
Không ít người cho rằng 4 vở diễn cải lương tuồng cổ hút khách vừa rồi đều nhờ hiệu ứng từ những kịch bản nổi tiếng của thế hệ nghệ sĩ tiền bối như NSND Thanh Tòng, NSƯT Bửu Truyện, Bạch Mai… Hiện rất hiếm tác giả trẻ lao vào bộ môn này để có thể xây dựng nên một lực lượng kế cận. Dù vậy, vẫn còn nhiều đạo diễn trẻ tìm đến bộ môn này để học hỏi, trau dồi và tự tin tranh tài như Lê Trung Thảo, Quốc Kiệt, Nguyên Đạt…
Các nghệ sĩ tên tuổi gạo cội của bộ môn này gồm Trường Sơn, Xuân Yến, Bo Bo Hoàng, Bạch Mai, Hữu Huệ, Thanh Loan, Chí Bảo, Thanh Sơn, Công Minh… vẫn yểm trợ hết mình cho dàn diễn viên trẻ. Trong số những người trẻ này, có những tên tuổi giờ được xem là ngôi sao của bộ môn này như Tú Sương, Quế Trân, nghệ sĩ Trinh Trinh, Bình Tinh, Thái Vinh, Thúy My, Hoàng Đăng Khoa…
Dù còn không ít khó khăn nhưng nhiều người trong nghề vẫn tỏ ra lạc quan trước sự đầu tư hình thức dàn dựng của đội ngũ đạo diễn trẻ. Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi cho rằng: "Thủ pháp dàn dựng phải mới, đừng sa vào lối cũ. May mắn là các đạo diễn đã ý thức rõ điều này. Vì thế, đây là cơ hội để tuồng cổ hồi sinh".
Nghệ sĩ Kim Tử Long, người dàn dựng thành công vở "Má hồng soi kiếm bạc", nhận định: "Khán giả cải lương tuồng cổ có lòng thì người làm nghệ thuật của bộ môn này cũng cần phải có tài, có tâm".
Thành quả của sự nỗ lực Trong lúc sàn diễn cải lương gặp khó khăn không thể sáng đèn, Nhà hát Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo), rạp Công Nhân, Sân khấu Lê Hoàng và Nhà Văn hóa Thanh niên vẫn là nơi duy trì biểu diễn cải lương tuồng cổ. Đội ngũ nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn của bộ môn này đã nỗ lực rất lớn trong việc duy trì hoạt động. Nhờ vậy 5 năm qua, họ đã vượt khó để hồi sinh bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Nếu trước đây 2 năm, hằng đêm khán phòng trống đến 1/3 chỗ ngồi, có lúc hơn nửa rạp; nhiều nghệ sĩ cải lương tuồng cổ đã bỏ sàn diễn đi đóng phim, chạy sô các tỉnh, ở nước ngoài... thì hiện nay, họ đã quy tụ lại chịu tập tuồng, rèn luyện những vai diễn khó. Cách tiếp thị cho việc bán vé cũng năng động hơn khi hầu hết các nghệ sĩ tuồng cổ đều có trang cá nhân trên mạng, thậm chí tạo các diễn đàn cho từng vở diễn để được lắng nghe ý kiến khán giả khi vở diễn ra mắt. Không khí hoạt động sôi nổi, người trong cuộc rất xúc động khi họ nhận được thành quả và sự khen tặng của số đông người xem. |
“Sóng dậy chốn mê cung”: Thấu tình mà dữ dội Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng xong vở “Sóng dậy chốn mê cung” từ kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, ... |
Xót xa cảnh đời nghệ sĩ cải lương bán vé số mưu sinh ở tuổi 86 Nghệ sĩ Phi Hùng từng là kép chánh của sân khấu Kim Chưởng - một đoàn hát lừng lẫy của cải lương miền Nam nhưng ... |
Việc cần làm ngay để cứu cải lương Sáng 28-4, hội thảo khoa học "Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn ... |
Bài và ảnh: Thanh Hiệp