Trong khi Chính phủ Mỹ sắp hết tiền để chi trả cho các hoạt động thì cuộc đàm phán nới trần nợ công giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Cộng hòa vẫn chưa ngã ngũ, khiến nước Mỹ tiến gần thêm tới bờ vực của tình thế nguy hiểm vỡ nợ.

Cam go “cuộc chiến” trần nợ công ở nước Mỹ ảnh 1

Tổng thống Joe Biden va Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không đạt được thỏa thuận về vấn đề nợ công trong cuộc đàm phán ngày 22-5

Chính phủ Mỹ đang dần “cạn tiền”

Cuộc đàm phán mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về vấn đề trần nợ công diễn ra ngày 22-5 tại Nhà Trắng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cho dù hai bên cùng cho rằng “đã có một cuộc thảo luận hiệu quả”. Cuộc đàm phán diễn ra ngay sau khi ông Joe Biden kết thúc sớm chuyến công du tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản trở về nhằm tìm cách đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng trần nợ công đang tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng với không chỉ nước Mỹ mà cả nền kinh tế toàn cầu.

Lên tiếng sau cuộc đàm phán, Tổng thống Joe Biden đánh giá, cuộc đàm phán với ông Kevin McCarthy hiệu quả, nhưng hai bên vẫn còn những điểm bất đồng. Tương tự, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cũng cho biết, dù chưa đạt được thỏa thuận, song cuộc thảo luận “hiệu quả” ở những điểm bất đồng. Lãnh đạo phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ cho biết thêm, các nhà đàm phán hai bên sẽ làm việc xuyên đêm để thu hẹp khác biệt, đồng thời khẳng định ông và Tổng thống Joe Biden sẽ “thảo luận hàng ngày” để tìm cách giải quyết vấn đề nợ công.

Nước Mỹ tới tháng 1 năm nay chạm ngưỡng giới hạn trần nợ công 31.400 tỷ USD và Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và nguy cơ sớm vỡ nợ, có thể vào ngày 1-6 tới, với khoản nợ 31.400 tỷ USD nếu không đình chỉ hoặc nâng trần nợ công. 

Trong khi đó, tính đến ngày 18-5, Chính phủ Mỹ chỉ còn 57,3 tỷ USD, mức ít nhất kể từ cuối 2021, để chi trả cho mọi hoạt động của chính phủ liên bang. Trước đó một ngày, ngày 17-5, Chính phủ Mỹ còn có 68,3 tỷ USD và 140 tỷ USD vào cuối tuần trước. Nếu không nâng trần nợ công trước ngày 1-6 tới để vay tiền chi tiêu, Chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt tiền và điều đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, là “thảm họa” với hệ thống tài chính.

Nhằm tránh nguy cơ rơi xuống “vực thẳm” vỡ nợ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng đảng Dân chủ đã có nhiều cuộc đàm phán với đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đàm phán cho tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng bởi lập trường còn nhiều khác biệt giữa hai bên.

Cuộc đàm phán giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề nợ công tưởng đã ngã ngũ vào thời điểm trước lúc Tổng thống Joe Biden lên tiếng sang Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7 khi các nhà đàm phán hai bên vào ngày 18-5 đã cùng bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận sắp đạt được. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer đã lên kế hoạch bỏ phiếu về một thỏa thuận lưỡng đảng về vấn đề nợ công.

Tuy nhiên, gió đảo chiều khi trong cuộc đàm phán diễn ra ngay ngày hôm sau (19-5), các nhà đàm phán đảng Cộng hòa đã rời khỏi phòng họp kín chỉ sau khoảng một giờ. Các nhà đàm phán cho biết, sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán tập trung vào điểm mấu chốt là bất đồng về cắt giảm ngân sách chính phủ. Trong khi đảng Cộng hòa thúc ép cắt giảm sâu hơn mức mà đảng Dân chủ sẵn sàng chấp nhận và loại trừ bất kỳ đề xuất tăng thuế nào như một cách để giảm thâm hụt ngân sách.

Kịch bản nào cho vấn đề nợ công?

 Hiện, chưa rõ chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Cộng hòa có khả năng đạt được thỏa thuận trước “hạn chót” ngày 1-6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép tổng thống tự nâng mức trần nợ công. Theo đó, tu chính án này có quy định có thể cho phép Tổng thống Mỹ vay thêm tiền ngay cả khi Quốc hội không hành động cho phép nâng mức trần nợ công. Tuy nhiên, đây là một rủi ro pháp lý rất lớn, điều mà ngay Tổng thống Joe Biden trong phát biểu hồi đầu tháng 5 này cũng cho biết là ông hiểu không nên áp dụng giải pháp này. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng cho rằng, việc áp dụng Tu chính án 14 sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Kịch bản Chính phủ Mỹ vỡ nợ trong thời gian ngắn ngủi hơn một tuần tới khiến tất cả đều lo sợ. Trường hợp xấu nhất này nếu xảy ra sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ đẩy nước Mỹ vào suy thoái kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp cao. Các phân tích riêng của hãng Goldman Sachs và Moody's chỉ ra rằng, ngay cả trường hợp chỉ xảy ra trong ngắn hạn, việc Chính phủ vỡ nợ sẽ làm gián đoạn 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ và khiến 2 triệu người mất việc làm.

Các nhà kinh tế của Nhà Trắng ước tính, trường hợp bị vỡ nợ sẽ làm mất đi 8 triệu việc làm và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc tới 45%. Xếp hạng tín dụng của Mỹ rất có thể cũng sẽ bị hạ bậc. Ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Capital Economics cho rằng, nếu Chính phủ vỡ nợ, chi phí đi vay ở Mỹ sẽ tăng đột biến, từ đó sẽ gây ra sự gia tăng tương ứng về chi phí đi vay trên toàn thế giới.

Nợ công của Chính phủ Mỹ từ trước tới nay vẫn được coi là tài sản an toàn nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, những tài sản tưởng chừng an toàn bỗng nhiên kém an toàn hơn rất nhiều so với trước đây. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Mỹ vỡ nợ. Hiện nay, 60% dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng USD, trong khi việc vỡ nợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng đồng USD. Trong trường hợp đồng USD suy yếu do Mỹ vỡ nợ, vai trò là nguồn dự trữ của thế giới của đồng tiền này sẽ bị đe dọa và một loại tiền tệ khác có thể nổi lên thay thế.

Trước đây, nước Mỹ từng không ít lần đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, thậm chí còn tiến sát mép “vực thẳm” vỡ nợ. Vào năm 2011, một thỏa thuận đã đạt được vào đúng “hạn chót” - ngày Chính phủ Mỹ hết tiền. Và năm 2013, một thỏa thuận cũng chỉ đạt được vào thời điểm sát thời hạn chót.

Vỡ nợ sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho Mỹ và cả kinh tế toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden và đảng Cộng hòa hiện vẫn còn găng nhau trong “cuộc chiến nợ công”, song đều không muốn bị cử tri Mỹ quy trách nhiệm đẩy Chính phủ vào cảnh vỡ nợ. Một thỏa thuận với sự nhượng bộ, dù không dễ dàng, từ cả hai bên có thể đạt được vào giờ chót, điều mà cho đến nay Tổng thống Joe Biden vẫn tin tưởng: “Tôi vẫn tin rằng sẽ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ”.

https://www.anninhthudo.vn/cam-go-cuoc-chien-tran-no-cong-o-nuoc-my-post540712.antd