Những vụ việc xe máy đi vào cao tốc gây tai nạn chết người thời gian gần đây khá phổ biến đặt ra nhiều tình huống pháp lý về lỗi của các bên. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần án lệ cho những vụ tai nạn như vậy.

Hệ lụy từ những vụ xe máy đi vào cao tốc

Chiều 14/2, trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ tai nạn giữa ô tô tải và hai xe máy khiến 4 người đi xe máy tử vong. Cơ quan chức năng bước đầu xác định, nguyên nhân tai nạn do hai xe máy cùng chạy ngược chiều trên đường cao tốc, dẫn đến va chạm với ô tô tải.

Cần án lệ xử tai nạn do xe máy vào cao tốc- Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT khiến 4 người đi xe máy tử vong trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngày 23/11/2023, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe khách, ô tô tuần tra giao thông của Công ty BOT và một xe máy không gắn biển kiểm soát. Hậu quả, cô gái ngồi sau xe máy tử vong, còn thiếu niên 14 tuổi điều khiển xe máy bị thương nặng.

Trước đó, sáng 5/5/2023, ô tô khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội đi trong làn cao tốc thì va chạm với xe máy do chị N.T.V.A (SN 2000) điều khiển đi cùng chiều. Va chạm khiến A tử vong tại chỗ.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong các vụ tai nạn như trên, lỗi trước tiên hoàn toàn do xe máy đi vào đường cấm.

"Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự, vụ va chạm giữa xe ô tô và xe máy là sự kiện bất ngờ. Bởi đây là đường cao tốc, cho phép xe ô tô chạy tốc độ tối đa 80km/h; Đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường cong, một chiều, nên ô tô không thấy trước và cũng không buộc thấy trước có xe máy đi ngược chiều.

Do đó, khi phát hiện thấy xe máy đi vào đường của mình hướng ngược chiều tới, ô tô không thể xử lý kịp", luật sư Thơm phân tích và cho biết, nếu lái xe ô tô bị khởi tố, ông sẽ nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí bảo vệ quyền lợi cho lái xe trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, cao tốc là đường dành riêng cho ô tô, nghiêm cấm xe máy đi vào. Trong vụ tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 4 người đi xe máy đã tử vong, trong đó có hai người điều khiển xe máy. Do đó, việc xem xét trách nhiệm liên quan sẽ không đặt ra đối với hai tài xế xe máy.

Tuy nhiên, trong trường hợp tương tự mà người điều khiển xe máy không tử vong, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ông Cường cho rằng, trong vụ việc trên, lỗi trước hết thuộc về hai tài xế xe máy do đi ngược chiều trên đường cao tốc. Còn với tài xế xe ô tô, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng quan sát và làm chủ tốc độ của người điều khiển để đưa ra kết luận.

Bởi nếu lái xe ô tô thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn, lái xe đó vẫn bị xác định có lỗi và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lỗi này là nguyên nhân gây ra tai nạn.

"Trong clip, xe máy đi ngược chiều từ khúc cua nên ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người điều khiển xe ô tô. Vì vậy, khó có thể bắt lỗi quan sát đối với tài xế ô tô trong tình huống này", luật sư Cường nhìn nhận và nhấn mạnh nhà chức trách sẽ làm rõ tốc độ của xe ô tô.

Nếu kết quả xác minh cho thấy xe ô tô đi đúng tốc độ, đúng phần đường, nhưng do góc cua khuất nên không quan sát được xe máy đi ngược chiều phía trước, thì tài xế ô tô không có lỗi.

Cần có án lệ để thống nhất hướng xử lý

Từng tham gia tố tụng một số vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bà Đỗ Trần Mai Anh (nguyên kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội) khẳng định, hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là vi phạm pháp luật, theo quy định tại Nghị định 100/2019.

"Đã đi vào đường cao tốc lại còn chạy xe ngược chiều là hành vi nguy hiểm", bà Mai Anh nhìn nhận và cho biết, trước đây nhiều người có quan niệm trong hầu hết vụ tai nạn là "tài xế xe to phải bồi thường cho tài xế xe bé". Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đã quy định rõ ràng.

Trường hợp xác định lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế xe máy, người lái xe ô tô không phải chịu trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự.

Dẫn các quy định của pháp luật, chuyên gia phân tích, xe máy đi vào đường cao tốc có biển cấm loại phương tiện này, đó là lỗi cố tình vi phạm của tài xế. Tiếp theo, tài xế xe máy khi đi trên đường cao tốc mà chạy ngược chiều, như vậy thể hiện người điều khiển phương tiện coi thường luật pháp, biết gây nguy hiểm cho các phương tiện khác nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Cũng theo bà Mai Anh, hệ thống luật chưa có án lệ nào liên quan hành vi chạy xe ngược chiều hoặc đi lùi xe trên đường cao tốc gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính nhiều trường hợp tham gia giao thông trái phép trên đường cao tốc, song do chế tài chưa đủ sức răn đe nên nhiều tài xế vẫn cố tình vi phạm.

"Để tạo sự răn đe, tránh các vi phạm tương tự, cần thiết nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc án lệ để thống nhất hướng xử lý đối với các phương tiện không được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc gây tai nạn giao thông", bà Mai Anh đề xuất.

Mức phạt chưa đủ răn đe

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay theo Nghị định 100/2019, người điều khiển xe máy đi vào cao tốc bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Mức phạt này cần được tăng thêm và bổ sung hình thức thu giữ phương tiện, tước bằng lái xe. Bởi vi phạm đi xe máy vào cao tốc là hành vi đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao về tính mạng và pháp lý, việc tăng nặng hình thức xử phạt là xác đáng và rất cần thiết.

https://www.baogiaothong.vn/can-an-le-xu-tai-nan-do-xe-may-vao-cao-toc-192240219232430695.htmhttps://www.baogiaothong.vn/can-an-le-xu-tai-nan-do-xe-may-vao-cao-toc-192240219232430695.htm

Hoàng Lam / Giao thông