Để thu hút cần phải có chính sách mang tính chất đột phá như chế độ tiền lương, phúc lợi… phải được nhìn nhận đánh giá theo khả năng cống hiến.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, cần có những cơ chế chính sách đặt biệt hơn trong việc trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.

Cần chính sách đặc biệt thu hút người tài 1

Ông Phạm Ngọc Linh

Tăng hơn 3 triệu trí thức trong 14 năm

Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành 15 năm nay, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai thực hiện cho đến nay?

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức của chúng ta tăng nhanh về số lượng, chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt.

Số lượng có trình độ đại học trở lên tham gia vào thị trường lao động tăng mạnh trong thời gian này. Năm 2009 chúng ta có 2,9 triệu người thì đến nay có khoảng 6,2 triệu người là trí thức tham gia vào thị trường lao động, phân bổ đều trong tất cả các lĩnh vực, cơ quan tổ chức.

Xét về độ tuổi của trí thức cũng ngày càng được trẻ hóa, chẳng hạn như nhóm có trình độ tiến sĩ năm 2009 thì độ tuổi tập trung ở 50, nhưng đến năm 2019 chủ yếu tập chung ở nhóm tuổi từ 39 - 40.

Trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức đã tham gia tích cực, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn như lĩnh vực khoa học tự nhiên, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Trong y tế, chúng ta cũng làm chủ được nhiều công nghệ chẩn đoán, điều trị tiên tiến, đưa trình độ y tế ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới…

Để đạt được những kết quả đó thì môi trường, điều kiện làm việc của trí thức đã được quan tâm hơn, nhất là sau khi có Nghị quyết 27.

Đóng góp chưa tương xứng

Như ông nói, đội ngũ trí thức đã tăng lên rất nhanh chóng. Nhưng vì sao chúng ta vẫn thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực mũi nhọn? Vì sao các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn quá ít, thưa ông?

Trên thực tế, qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 cũng cho thấy, vẫn còn một số điểm bất cập về cơ chế, chính sách trong việc tạo điều kiện, đầu tư cho đội ngũ trí thức.

Một số chính sách còn chưa đồng bộ, đầu tư tương đối dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chưa có cơ chế chính sách đặc biệt, nhất là đối với trí thức tinh hoa, trí thức đầu ngành. Chính vì thế số lượng trí thức có tăng nhưng về chất lượng thì chưa thực sự tương xứng.

Vậy theo ông, đội ngũ trí thức hiện nay đang thiếu gì, cần những gì để có thể phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển đất nước?

Trí thức là lực lượng lao động đặc biệt và trí thức tinh hoa sẽ là lực lượng lao động, sáng tạo đặc biệt của đặc biệt. Vì thế cần phải có những cơ chế chính sách đặc biệt hơn đối với nhóm này trong việc trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh. Có như vậy đội ngũ này mới có thể phát huy được hết khả năng của mình.

Bên cạnh những cơ chế chính sách, cần tăng cường nguồn lực dưới mọi hình thức, tạo môi trường làm việc thuận lợi cùng những điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ trí thức có thể cống hiến.

Cần 2 chính sách đãi ngộ người tài?

Cần chính sách đặc biệt thu hút người tài 2

Hướng đến mục tiêu năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì khâu đột phá phải là sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao (Ảnh minh họa)

Câu chuyện thu hút, sử dụng và đãi ngộ trí thức tinh hoa đã được nhắc đến từ lâu. Nhưng theo ông vì sao chuyện chảy máu chất xám vẫn diễn ra, nhiều nơi thu hút nhưng nhân tài vẫn cứ ra đi? Và trong công tác cán bộ, với quy trình 5 bước như hiện nay, liệu những người tài có gặp rào cản gì không?

Ở đây, cần hiểu rằng chính sách tuyển dụng nhân tài để làm quản lý và làm chuyên môn là khác nhau.

Việc thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập không phải là quy trình bổ nhiệm, quy hoạch chức vụ, mà thu hút họ để làm công tác nghiên cứu, chuyên môn.

Cho nên cần tách bạch rõ hai chức năng quản lý và chuyên môn. Thông thường chúng ta thu hút để thực hiện chức năng chuyên môn nhiều hơn chức năng quản lý. Tất nhiên trong quá trình hoạt động chuyên môn, những người bộc lộ năng lực quản lý sẽ được bổ nhiệm chức danh quản lý.

Bởi vậy, để thu hút cần phải có chính sách mang tính chất đột phá, ví dụ như chế độ tiền lương, phúc lợi… phải được nhìn nhận đánh giá theo khả năng cống hiến, năng lực chuyên môn của trí thức.

Hay nói cách khác chúng ta cần phải có 2 chính sách khác nhau về tuyển dụng nhân tài, đó là chính sách dành cho trí thức làm quản lý và tuyển dụng nhân tài làm chuyên môn.

Trong một lần dự hội nghị do VUSTA tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải thay đổi tư duy và hành động, nếu không muốn đất nước trở thành một “cỗ xe ngựa” khi thế giới đã “phát minh ra ô tô”. Và để làm vậy thì phải gắn liền với phát triển khoa học và đội ngũ trí thức... Với vai trò của mình, VUSTA đã và sẽ làm gì để đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chính sách đối với trí thức?

Với vai trò của mình, đặc biệt các tổ chức thành viên của VUSTA phải tham gia tư vấn để khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với tiêu chí cụ thể trong thu hút, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.

Trong suốt thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng. Ví dụ như thông qua phản biện, phổ biến kiến thức của trí thức đã góp phần từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm qua.

Phải khẳng định, trí thức sẽ là lực lượng đóng góp không nhỏ vào thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra, trong đó có mục tiêu “hóa rồng” vào năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

VUSTA cũng có vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Theo ông, làm thế nào để ngày càng nhiều trí thức ở ngoài nước trở về cống hiến cho đất nước?

Hiện nay, việc thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng không nhất thiết là họ phải về sinh sống ở quê nhà. Với thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, họ hoàn toàn có thể ở nước ngoài nhưng vẫn cống hiến. Chính vì thế, việc thu hút nhân tài ở nước ngoài về cũng cần phải nhìn nhận với một quan điểm mở hơn.

Cảm ơn ông!

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục:Cần có đạo luật thu hút, sử dụng hiền tài

“Để thu hút nhân tài thì cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn, trước hết phải khai thông từ những văn bản pháp lý. Các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu để có đạo luật về sử dụng, thu hút hiền tài, đội ngũ trí thức tinh hoa.

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay thì nên chăng có một luật như thế. Các đối tượng khác thì chúng ta có những đạo luật rất đầy đủ nhưng luật về người tài, đội ngũ tri thức gắn với khoa học và công nghệ thì chưa.

Luật này cần cụ thể khái niệm nhân tài là thế nào, thế nào là đội ngũ trí thức tinh hoa. Một điều quan trọng nữa là phải có những quy định rất rõ ràng về chế độ đãi ngộ người tài”.

https://www.baogiaothong.vn/can-chinh-sach-dac-biet-thu-hut-nguoi-tai-d587159.html

Phùng Đô / Giao thông