Ngộ độc thực phẩm trong trường học, khẩu phần ăn của học sinh chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng đang là nỗi lo lắng, bất an của các bậc phụ huynh có con đang học mầm non, phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần tăng cường giám sát tất cả các khâu với sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng cho đến phụ huynh học sinh.

Lo lắng, bất an với bữa ăn học đường

Mới đây, phụ huynh có con học ở Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh, suất ăn ở trường của con có giá 32.000 đồng nhưng chỉ có vài món lèo tèo, không đủ no. Có bữa khay cơm chỉ có ít rau, một miếng giò và vài ba miếng chả cá. Bữa khác, suất ăn cũng chỉ có một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và miếng thịt lợn.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận, Trạm Y tế phường Yên Nghĩa kiểm tra đột xuất.

ban_tru_1697453297969-1697592353276
Khay thức ăn nghèo nàn của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến phụ huynh lo lắng về dinh dưỡng trong bữa ăn học đường.

Đoàn kiểm tra xác định, suất ăn theo phản ánh của phụ huynh có trong thực đơn của trường thuộc tuần từ ngày 9/10 đến ngày 12/10, do số lượng nhân viên ít, số lượng suất ăn nhiều nên việc chia các suất ăn chưa đều nhau. Công ty cung cấp suất ăn đã tổ chức rút kinh nghiệm, nhận thiếu sót và sẽ bổ sung nhân viên. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn; đồng thời làm việc với ban đại diện phụ huynh học sinh để xin rút kinh nghiệm, cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú, không để lặp lại sự việc.

Một vụ việc khác cũng vừa xảy ra mới đây là chiều 13/10, sau khi đi học về, một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) có biểu hiện nôn ói, đau bụng và phải nhập viện. Phụ huynh nghi ngờ do suất ăn bán trú của trường. Hiện nhà trường đã mời đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp cùng đơn vị cung cấp suất ăn làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trên cả nước cũng đã khiến dư luận bất an, lo lắng, như vụ ngày 28/9, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh ngọt tại lớp.

Theo nhiều phụ huynh, các con đang trong giai đoạn phát triển, dinh dưỡng là vô cùng quan trọng, nếu không được ăn những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn sẽ gây ra nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cho trẻ; ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Do đó, nhiều phụ huynh mong muốn, bên cạnh yếu tố đảm bảo VSATTP phải được đặt lên hàng đầu thì việc đảm bảo đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn bán trú cũng cần được các nhà trường quan tâm với cơ chế giám sát chặt chẽ, không nên buông lỏng chất lượng cho các công ty chế biến và cung cấp suất ăn.

Tăng cường giám sát

Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trở lại đây, một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội đã thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia. Ban Giám hiệu nhà trường sẽ phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Thậm chí, có trường còn cẩn thận quản lý cả những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Tại Trường THCS Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội), phụ huynh cũng được tham gia cùng cán bộ của nhà trường để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào hàng ngày, hàng tuần tại trường. Chị Nguyễn Thuý Hà, thành viên trong Ban phụ huynh của nhà trường cho biết: “Sáng sớm hàng ngày, chúng tôi luân phiên chia nhau dậy sớm để nhận thức ăn đưa vào trường cùng với cán bộ nhà bếp; kiểm tra chất lượng và số lượng thực phẩm nhận hàng ngày và dụng cụ chế biến thực phẩm, khay ăn của các con. Điều này vừa để tăng trách nhiệm, sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh, vừa là để đảm bảo được chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào, trước khi chế biến cho các con”.

Theo các chuyên gia về ATVSTP, dù quy trình kiểm soát thực phẩm đầu vào được một số nhà trường thực hiện khá chặt chẽ nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra. Lý do là ngoài kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào, nhiều bếp ăn tập thể chưa kiểm soát được các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm như phương tiện, dụng cụ chế biến, cách bảo quản, thời gian vận chuyển. Thực phẩm dù có nguồn gốc rõ ràng nhưng nếu như bảo quản sai cách, thời gian vận chuyển quá lâu cũng có thể  xuất hiện các yếu tố gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, việc các cơ sở, trường học ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với bên thứ ba cũng là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, khó kiểm soát khâu chế biến, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng khá dài.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, quy định về đảm bảo ATVSTP cho các bếp ăn tập thể nói chung, trong đó có bếp ăn trường học đều đã được Cục ATVSTP của Bộ Y tế ban hành đầy đủ trong các văn bản. Tuy nhiên, có thể do việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng tại các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên nên có những nơi, những thời điểm, vấn đề này chưa thật sự được quan tâm, chú trọng.

Cũng theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, bếp ăn tập thể liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người nên dù phục vụ đối tượng nào, người lớn hay học sinh đều cần phải đảm bảo các điều kiện về VSATTP. Tuy vậy, do học sinh là lứa tuổi còn non nớt, đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần được quan tâm hơn cả về dinh dưỡng và đảm bảo ATVSTP.

Về giải pháp, ông Thịnh cho rằng, nhà trường cần tạo điều kiện để phụ huynh cùng tham gia giám sát giá trị dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày ở trường và quan trọng hơn là ATVSTP. Bên cạnh việc tăng cường giám sát thực phẩm đầu vào, các nhà trường cũng tích cực phối hợp với gia đình tuyên truyền cho học sinh cách thức giữ gìn vệ sinh cá nhân như thói quen rửa tay trước khi ăn, giữ gìn vệ sinh trong khi ăn và sau khi ăn. Cơ quan chức năng về ATVSTP cần phải có trách nhiệm hướng dẫn cho các bếp ăn về các quy định, kiểm soát quy trình; thường xuyên thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, trong quá trình tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm thì phải xử phạt nghiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Huyền Thanh / CAND