Yongsan là vùng đất ở trung tâm Seoul, nhưng không thuộc quyền kiểm soát của Hàn Quốc suốt gần 70 năm qua.
Căn cứ quân sự Yongsan nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi những đoạn tường cao và hàng rào thép gai, luôn là cái gai trong mắt nhiều người dân Seoul và cả khách du lịch.
"Bạn có Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, còn chúng tôi có có bức tường bê tông dài ở trung tâm thủ đô", Kim Hong-ryeol, quan chức thành phố Seoul, nói về bức tường dài 13 km bao quanh khu đất rộng 2,4 km vuông của căn cứ Yongsan.
Yongsan bắt đầu bị nước ngoài kiểm soát từ năm 1882, khi quân đội nhà Thanh hỗ trợ chính quyền địa phương trấn áp một cuộc nổi dậy của những người phản đối chính sách Tây hóa. Lực lượng Trung Quốc đóng quân tại Yongsan, khi đó vẫn chỉ là một ngôi làng ở ngoại ô Seoul.
Lính nhà Thanh sau đó rút lui, nhưng trở lại năm 1894 để dẹp cuộc nổi loạn của nông dân địa phương và dẫn tới chiến tranh với Nhật Bản để giành quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc thất bại, đánh mất tầm ảnh hưởng kéo dài hàng trăm năm trong khu vực và mở đường cho thời kỳ đô hộ của đế quốc Nhật Bản năm 1910-1945.
Quân đội Mỹ chiếm căn cứ Yongsan từ Nhật Bản sau Thế chiến II và mới bắt đầu quá trình di dời tới căn cứ Humphreys cách đó 60 km.
Washington đang triển khai 28.500 binh sĩ trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Yongsan được coi là đầu não của lực lượng này nhưng cũng là nỗi xấu hổ với Hàn Quốc, nước duy nhất trên thế giới có quân đội nước ngoài đóng quân giữa lòng thủ đô.
Triều Tiên thường xuyên đưa Yongsan vào các chiến dịch tuyên truyền, coi đó là biểu hiện cho thấy Hàn Quốc đang là một phần thuộc địa của Mỹ.
Một phần tường bao quanh căn cứ Yongsan. Ảnh: SCMP. |
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, các khu đô thị của Seoul dần mở rộng và bao trọn Yongsan. Chính phủ Hàn Quốc luôn muốn lấy lại quyền kiểm soát khu vực này, nhưng mãi đến năm 1990, tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh-Tae-woo, cựu tướng quân đội có quan điểm bảo thủ và thân Mỹ, mới đưa ra đề xuất di dời căn cứ Mỹ.
Sau nhiều năm đàm phán, Washington và Seoul đạt đồng thuận vào năm 2003, trong đó lực lượng Mỹ sẽ tập trung ở hai khu vực gồm Pyeongtaek ở miền trung Hàn Quốc và Daegu ở miền nam. Tuy nhiên, dự án di dời căn cứ ở Yongsan chỉ bắt đầu vào năm 2017 bởi sự chậm trễ trong chuẩn bị nơi ở cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ và người thân.
"Chúng tôi đã trải qua 6 đời tổng thống từ khi đề xuất di dời được đưa ra, dự án cũng liên tục bị đình trệ", Kim Hong-ryeol nói thêm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi năm ngoái yêu cầu chính quyền địa phương hành động để người dân thấy tiến độ thực hiện di dời. Quan chức thành phố Seoul đã thuyết phục được quân đội Mỹ cho tổ chức các chuyến thăm giới hạn bằng xe buýt qua một phần căn cứ Yongsan.
Khi hoạt động này khởi động vào tháng 11/2018, mỗi tuần chỉ có một xe buýt chở 35 người được đi vào Yongsan. Con số này sau đó tăng lên hai chuyến mỗi tuần.
Khách tham quan lên xe ở căn cứ Kim, nơi nghỉ ngơi của binh sĩ Mỹ gần Yongsan. Họ được rời xe tại một số địa điểm với sự giám sát của hướng dẫn viên. "Nó giống một ngôi làng tự cung tự cấp hơn là căn cứ quân sự", hướng dẫn viên Um Jin-hee mô tả về Yongsan.
Căn cứ Yongsan được chia thành hai khu vực gồm Main Post (căn cứ chính) ở phía bắc và South Post ở phía nam, hai bên được chia cách bởi đường Itaewon-ro.
Một góc căn cứ Yongsan. Ảnh: US Army. |
Trong chuyến thăm, khách tham quan có thể thấy những công trình xây bằng gạch tối màu từ thời đế quốc Nhật, cũng như khu vực nhà ở, trường học, nhà hàng, bưu điện và cơ sở thể thao được Mỹ xây dựng.
Các doanh trại cũ của Nhật và nhà tù quân sự được bao quanh bằng tường gạch đỏ cao gần 5 m được gia cố bằng bê tông. Nhiều vết đạn và hư hại từ thời Chiến tranh Triều Tiên vẫn có thể nhìn rõ từ xe buýt. Công trình hiện đại nhất là tòa nhà Bộ tư lệnh Lực lượng Liên hợp Mỹ - Hàn (CFC) được xây năm 1978 nhằm tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước, đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên.
Seoul và Washington đặt mục tiêu di dời hoàn toàn trụ sở CFC khỏi thủ đô Seoul vào năm 2021. Căn cứ Humphreys được kỳ vọng sẽ là nơi ở của 45.000 người sau đó một năm.
Dân số ở Yongsan hiện chỉ còn 4.000 so với 25.000 người vào thời kỳ cao điểm. Đơn vị chủ chốt cuối cùng sẽ rời khỏi đây khi quân đội Mỹ mở cửa bệnh viện mới ở Humphreys trong vài tháng tới. Căn cứ Yongsan sẽ được biến thành một công viên giống Công viên Trung tâm ở thành phố New York của Mỹ.
Tòa nhà trụ sở CFC tại căn cứ Yongsan. Ảnh: US Army. |
Hàn Quốc đã chi 10,8 tỷ USD để xây dựng doanh trại khổng lồ của Mỹ ở Pyeongtaek. Đây được coi là căn cứ hải ngoại lớn nhất của Mỹ, chiếm diện tích 15 km vuông. Washington dự kiến trao trả 178 km vuông đất cho Seoul bằng cách đóng cửa 91 căn cứ khắp lãnh thổ Hàn Quốc, tập trung lực lượng về hai tổ hợp ở Pyeongtaek và Daegu.
Đợt di dời sẽ chấm dứt sự hiện diện kéo dài gần 70 năm của quân đội Mỹ ở trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc. "Tôi có cảm xúc lẫn lộn. Chúng tôi không thể vào vùng đất cấm này suốt hơn 100 năm qua, dù đó là một phần lãnh thổ Hàn Quốc", Lee Seong-nam, khách tham quan căn cứ Yongsan, cho biết.
"Tôi cảm thấy buồn khi đứng tại đây. Nó là trung tâm của giai đoạn bão tố trong lịch sử, từng chứng kiến nhiều cuộc chiến và sự thống khổ của người dân bán đảo Triều Tiên dưới tay quân đội nước ngoài. Tôi cũng thấy vui mừng khi nơi này sẽ trở thành một công viên", ông Lee nói thêm.
Vũ Anh (Theo SCMP)
Giáo chủ Iran dọa tấn công các căn cứ Mỹ tại Trung Đông Quan chức tôn giáo hàng đầu của Iran cảnh báo Washington và đồng minh sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng nếu nổ ra xung đột ... |
Trung Quốc bác thông tin phi công 'huấn luyện tấn công căn cứ Mỹ' Trung Quốc hôm qua chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc nói nước này huấn luyện tấn công căn cứ Mỹ, cho rằng đó ... |
Chiến lược ngoại giao bẫy nợ Gánh nặng nợ nần trên vai các nước nhỏ càng chồng chất thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng lớn mạnh |