Căn cứ NATO tại Đức phải tăng cường an ninh sau khi phát hiện mối đe dọa tiềm tàng, đồng thời yêu cầu các nhân viên không thuộc nhiệm vụ trọng yếu rời khỏi căn cứ.

Căn cứ tại Geilenkirchen, Đức, nơi có các máy bay radar đặc biệt của NATO, đã nâng mức độ an ninh do nhận được cảnh báo tình báo về mối đe dọa tiềm tàng.

Geilenkirchen, nằm gần biên giới Đức-Hà Lan, là nơi đóng quân của lực lượng AWACS (hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không) của NATO. Lực lượng này đi vào hoạt động từ năm 1988.

"Chúng tôi đã nâng mức độ an ninh tại Căn cứ Không quân NATO Geilenkirchen dựa trên thông tin tình báo cho thấy có mối đe dọa tiềm tàng", căn cứ này cho biết trên tài khoản X (trước đây là Twitter) tối 23/8.

"Những nhân viên không liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ đã được cho về nhà để đảm bảo an toàn", căn cứ này cho biết thêm. "Các hoạt động vẫn tiếp tục theo đúng kế hoạch”.

Theo lời một phát ngôn viên, căn cứ đã chuyển sang mức độ đe dọa Charlie, tức là đã xảy ra sự cố hoặc thông tin tình báo cho thấy một cuộc tấn công khủng bố "rất có khả năng xảy ra".

Một máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS) ở Geilenkirchen, Đức.(Ảnh: X/@NATOAWACS)

Một máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS) ở Geilenkirchen, Đức.(Ảnh: X/@NATOAWACS)

Tuần trước, Geilenkirchen báo cáo về một vụ xâm nhập bất hợp pháp, dẫn đến một cuộc kiểm tra an ninh toàn diện tại căn cứ. Cùng ngày, căn cứ không quân Đức Cologne-Wahn bị phong tỏa khi các cơ quan chức năng điều tra thông tin về việc nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sau đó cho thấy không có vấn đề gì với nước máy.

Ngày 22/8, chính quyền đã mở cuộc điều tra sau khi phát hiện các máy bay không người lái không xác định bay qua cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía bắc nước này.

NATO đã tăng cường cảnh báo về khả năng phá hoại của Nga trong những tháng gần đây, ngay cả khi tổ chức này đã tăng cường cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine. Mỹ và các đồng minh khẳng định rằng việc hỗ trợ Kiev không khiến họ trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột chống lại Moskva, phớt lờ những cảnh báo liên tục của Nga về vấn đề này.

Trước đó, Mỹ, Đức và Romania đã đồng ý cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, với sự hỗ trợ từ Hà Lan và một số quốc gia khác để hoàn chỉnh khẩu đội. Trong khi đó, Italia cũng cam kết hỗ trợ Ukraine bằng hệ thống phòng không SAMP-T. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc viện trợ vũ khí cho Kiev sẽ làm gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột. Quân đội Nga đã phá hủy nhiều loại vũ khí đắt tiền của NATO, bao gồm cả hệ thống Patriot, bị tiêu diệt bởi tên lửa Iskander-M.

https://vtcnews.vn/can-cu-nato-tai-duc-bao-dong-vi-moi-de-doa-tiem-tang-ar891216.html

PHƯƠNG NGUYỄN(Nguồn: RT) / VTC News