"Cần minh bạch về hiện tượng "kỳ lạ" trong công tác cán bộ ở một số địa phương, trước khi mô hình nhất thể hóa được triển khai rộng", ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nói.
Nói về chủ trương nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã có đủ điều kiện vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại Hội nghị Trung ương 6, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban Soạn thảo dự án luật Hành chính công cho rằng: “Muốn thực hiện thành công việc nhất thể hóa này thì điều kiện trước hết phải là con người”.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nêu quan điểm: “Ai cũng nhìn thấy bộ máy quá cồng kềnh, dứt khoát phải làm gọn lại. Ngân sách không thể nuôi nổi bộ máy phình to như vậy. Việc nhất thể hóa là cần thiết. Người giữ vai trò bí thư kiêm chủ tịch HĐND/UBND đòi hỏi vừa có năng lực, vừa có đạo đức mới đảm bảo vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả”.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh.
Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng nhận định: "Nếu chọn người không có chuyên môn, thực tiễn và đạo đức thì rất nguy hiểm. Khi ấy, việc trao quá nhiều trọng trách cho một người sẽ là sức nặng khiến công việc không trôi chảy, bản thân người đó không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể hay có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm và có thể mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.
Vấn đề là có đủ công tâm để chọn được người đủ đức, đủ tài hay lại chọn người nhà không phải người tài? Có đủ công tâm để không co kéo người cùng lợi ích nhóm? Chính vì thế, theo tôi, tinh gọn bộ máy là việc phải làm nhưng cử tri, bản thân tôi đều băn khoăn về việc liệu có chọn được người đủ năng lực cùng lúc đảm trách 2 vị trí quan trọng ở địa phương như vậy hay không”.
“Thực tế, thời gian qua, có trường hợp người đứng đầu ở cấp ủy các địa phương đã bị kỷ luật. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân đều bày tỏ băn khoăn và mong muốn làm sao minh bạch về những hiện tượng "kỳ lạ" trong công tác cán bộ ở một số địa phương. Các vấn đề này phải được giải quyết dứt điểm trước khi mô hình nhất thể hóa được triển khai rộng”, bà Khánh nói.
Theo bà Khánh, vấn đề kiểm soát quyền lực khi nhất thể hóa chức danh phải được tính toán kỹ. Thực tế hiện nay, chúng ta có luật Phòng, chống tham nhũng, có cơ chế giám sát của Đảng, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội khác. Do đó, phải sử dụng hiệu quả những tổ chức và công cụ pháp lý này để kiểm soát quyền lực khi nhất thể hóa chức danh.
Chặn nguồn tham nhũng mới chống được tham nhũng “Việc kê khai tài sản của cán bộ công chức, lãnh đạo là đúng, song không quan trọng bằng việc kiểm soát nguồn tiền của ... |
Nhiều thông tin bất ngờ vụ vợ cán bộ xã tuyên bố vỡ hụi 6 tỷ đồng Vợ cán bộ xã ở Hậu Giang cho biết sẽ bán đất và nhà để trả nợ. Tuy nhiên, các hụi viên lại cho rằng, ... |
Đang xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh Tổng thư ký Quốc hội cho biết cơ quan chức năng về quản lý cán bộ đang xem xét trường hợp của bà Phan Thị ... |
http://www.nguoiduatin.vn/can-minh-bach-nhung-hien-tuong-ky-la-trong-cong-tac-can-bo-a343142.html