Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.
- Xe cứu thương tông người đi xe máy tử vong
- Tài xế 'tung cước' đạp ngã người đi xe máy trên phố Hà Nội khai gì?
- Người đi xe máy sai luật, tài xế ô tô có phải bồi thường nếu xảy ra tai nạn?
Việt Nam có lượng người sở hữu xe máy thuộc hàng cao nhất thế giới
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, tại Việt Nam, số lượng xe máy chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Tỉ lệ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ TNGT đường bộ.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn. Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để cơ quan chức năng cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công trong việc đảm bảo an toàn cho người đi xe máy ở nhiều quốc gia; đồng thời thảo luận về những khó khăn và thách thức đang tồn tại.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chia sẻ thêm, đến thời điểm tháng 9/2024 đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân là 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng một trong những nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp. Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rủi ro va chạm do cơ giới hoá. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp TNGT vẫn đang diễn biến phức tạp. Cần có giải pháp cho trẻ em đi xe máy có dung tích dưới 50cc. Hiện nay nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Tiếp đến, có một số vụ TNGT xảy ra do những vi phạm quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường... cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.
Những khoảng trống cần ưu tiên sớm về giải pháp
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) tại Việt Nam, bà Angela Pratt nhận ra rằng xe máy có vai trò quan trọng trong di chuyển của người dân tại Việt Nam, đây là phương tiện phổ biến, tiện lợi, ít chi phí, dễ dàng di chuyển đến mọi nơi trong khu vực, có thể sử dụng để đi học, đi làm, di chuyển trong thành phố. Việt Nam cũng đã có nhiều cải thiện thay đổi chính sách nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng, làm giảm thương tật và tỷ lệ tử vong do TNGT giảm hơn 40% trong giai đoạn từ năm 2010 – 2021. Tuy nhiên, Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để tăng cường ATGT dành cho xe máy, qua đó giúp giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến phương tiện này. Hiện rất nhiều trẻ em tại Việt Nam đang được cha mẹ đưa đến trường bằng xe máy, do đó, việc tìm phương án giảm thiểu rủi ro mất ATGT cho lứa tuổi này rất quan trọng. WHO cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong tương lai, qua đó, hỗ trợ triển khai Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Chia sẻ về thách thức và cơ hội toàn cầu về an toàn xe máy, ông Qingfeng Li - Tiến sĩ MHS, Trợ lý giáo sư, Y tế quốc tế, Phó giám đốc đơn vị nghiên cứu chấn thương quốc tế nói, Việt Nam đã có thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp, từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi. Tuy nhiên, 3/5 số ca tử vong do TNGT đường bộ vẫn liên quan đến xe máy và trong số đó ¾ số ca do chấn thương đầu. Để giảm TNGT và tử vong từ xe máy, đội mũ bảo hiểm là biện pháp chính. Cũng theo ông Qingfeng Li, hiện có cơ hội để sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thực thi luật đội mũ bảo hiểm hay quản lý tốc độ. "Tuy nhiên, việc thực thi giới hạn tốc độ, các hệ thống chủ yếu được thiết kế cho xe 4 bánh. Vậy làm sao phải thiết kế cho xe máy. Hầu hết các thành phố đã trang bị hệ thống camera giao thông để thu thập số liệu, hỗ trợ việc xử lý vi phạm, giảm thiểu TNGT. Trong tương lai, cần kiểm soát về chất lượng mũ bảo hiểm, đội mũ đúng cách hay bổ sung đai an toàn cho trẻ em…", ông Qingfeng Li góp ý.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu cơ sở hạ tầng, ông Greg Smith- Giám đốc chương trình toàn cầu của iRAP, cho biết cho biết, đây là cơ sở để đánh giá mức độ an toàn của tuyến đường, khả năng xảy ra tai nạn hoặc mức độ tai nạn xảy ra khi tham gia giao thông trên các tuyến đường. Từ đó, đánh giá được rủi ro của các tuyến đường để có giải pháp nhằm cải thiện, ngăn ngừa tai nạn cũng như hậu quả của TNGT. Từ đánh giá sao cho các tuyến đường để đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao an toàn cũng như tăng sao cho tuyến đường đó. Để đảm bảo ATGT đối với xe hai bánh, ông Greg Smith cho biết, theo khuyến nghị từ các cơ quan quốc tế, các nhà quản lý hạ tầng, nhà nghiên cứu và các tổ chức cần cập nhật và quảng bá tiêu chuẩn thiết kế đường, cẩm nang và hướng dẫn để nâng cao hiểu biết về ATGT cho người sử dụng phương tiện hai bánh. Đảm bảo tổ chức giao thông an toàn đối với tất cả các phương tiện, bao gồm người đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, xem xét giảm tốc độ xuống còn 30km/h tại những khu vực tập trung đông đúc các phương tiện này tham gia giao thông. Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi các sáng kiến, giải pháp mới trong tổ chức giao thông, quan tâm xây dựng các làn đường riêng dành cho xe hai bánh; tách các phương tiện dễ bị tổn thương ra khỏi các xe hạng nặng.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Dr. Ka Io Wong, Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, tại Đài Loan, cứ 1.000 dân thì có đến 360 xe ô tô và 615 xe máy. Trong đó, tỷ lệ tử vong do TNGT liên quan đến xe máy chiếm 64%, tập trung ở nhóm tuổi 18-24. Hằng năm tại Đài Loan có đến 400.000 vụ TNGT làm 3.000 người tử vong và 539.000 người bị thương tích, thiệt hại kinh tế do TNGT từ 2,8 – 3,3% GDP mỗi năm (ước tính 16 tỷ USD). Tại Đài Loan, Chính phủ đã đầu tư 1,3 tỷ USD để cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Để thực hiện kế hoạch cải thiện các tuyến đường có nguy cơ cao xảy ra TNGT, theo PGS.TS. Dr. Ka Io Wong, hiện còn thiếu công cụ thu thập dữ liệu ở hiện trường dẫn đến khó khăn trong đánh giá. Chính vì vậy, cần ứng dụng các công nghệ mới như sử dụng flycam, camera giám sát giao thông để thu thập dữ liệu, phân tích đánh giá ATGT tại các giao lộ. Cơ quan thực hiện có thể là các công ty tư vấn kỹ thuật, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý.