Đi trên các tuyến đường, phố ở một số quận của thành phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe thu gom chứa đầy rác thải sinh hoạt được các đơn vị vệ sinh môi trường tập kết thành dãy dài dưới lòng đường, phố, trên vỉa hè, thậm chí trước cửa các cơ quan, đơn vị, trường học, chung cư…
- Tài xế xe thu gom rác đình công, người Hà Nội khốn khổ vì môi trường ô nhiễm
- "Ông trùm" thu gom rác tai tiếng Minh Quân và những gói thầu tiền tỷ khắp Hà Nội
- "Khai tử" xe thu gom rác
Thực trạng này làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Để khắc phục bất cập trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch, bố trí điểm tập kết xe thu gom rác thải với hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông.
Chiếm dụng lòng đường, vỉa hè
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới vào các ngày 3 và 4-11 tại một số nơi ở khu vực nội thành, có nhiều điểm tập kết xe rác đặt ngay dưới lòng đường, phố, cản trở giao thông. Điển hình phải kể đến điểm tập kết xe thu gom rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông ở tuyến đường giáp chung cư CT2-105, Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông). Tại đây, sáng nào cũng có trên 30 xe chứa đầy rác, xếp thành 3 hàng dọc trên đường. Xung quanh, rác thải vương vãi khắp nơi, nước rỉ rác chảy ra đường bốc mùi xú uế nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trưởng ban Quản trị chung cư CT2-105 Nguyễn Quốc Thái cho biết: “Điểm tập kết rác này tồn tại khoảng 2 năm nay. Trước đây chỉ có vài xe thu gom rác, nay con số lên hàng chục xe/ngày. Trước thực trạng điểm tập kết này ngày càng phình to, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến gửi UBND quận Hà Đông và UBND phường La Khê về việc đề nghị Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông di chuyển điểm tập kết ra nơi khác, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Ngoài điểm kể trên, quận Hà Đông còn nhiều điểm tập kết xe rác quy mô 5-15 xe/điểm đã và đang gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, như: Điểm gần Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (giáp ranh 2 phường Hà Cầu và Quang Trung), 2 điểm ở đoạn đầu và gần cuối phố Nguyễn Văn Lộc (phường Mộ Lao)…
Khảo sát thêm tại một số quận, phóng viên cũng bắt gặp khá nhiều điểm tập kết xe thu gom rác thải cản trở giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Tại các phố Khương Đình, Nguyễn Tuân, Lê Trọng Tấn… (quận Thanh Xuân), dù mặt đường chật hẹp, lưu lượng phương tiện lớn nhưng có nhiều điểm tập kết xe thu gom rác thải sinh hoạt để dưới lòng đường, trên vỉa hè. Trên các phố Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) cũng có nhiều điểm tập kết xe thu gom rác nằm ngay dưới lòng đường, mất mỹ quan đô thị, khiến nhân dân trong khu vực rất bức xúc…
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do hầu hết các địa phương chưa quy hoạch được điểm tập kết xe rác và đầu tư hạ tầng tối thiểu để đáp ứng nhiệm vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn. Do đó, các đơn vị vệ sinh môi trường phải tận dụng vỉa hè, thậm chí cả lòng đường để đặt xe rác, làm điểm gom rác.
Tìm quỹ đất để bố trí mô hình gom rác
Theo thống kê sơ bộ của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), trung bình mỗi quận hiện có 60-70 điểm tập kết xe rác. Thực tế hiện nay đã có một số địa phương làm điểm việc quy hoạch điểm tập kết xe thu gom rác. Đơn cử, tại quận Thanh Xuân, sau khi được bố trí đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, Hợp tác xã Thành Công làm hàng rào xung quanh, trồng cây xanh và triển khai mô hình điểm thu gom rác thân thiện ở 3 vị trí tại 3 phường là Khương Trung, Khương Mai và Phương Liệt. Hiện, toàn bộ xe thu gom rác thải được để gọn vào một điểm, bảo đảm sạch sẽ, mỹ quan...
Tương tự, sau khi được bố trí quỹ đất, URENCO đảm nhận thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của nhiều quận của Hà Nội cũng đang triển khai mô hình điểm chuyển tải rác kín, quy mô nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện hạ tầng chật chội trong khu vực nội thành tại 3 điểm ở quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đây là các điểm chuyển tải rác kín được cuốn ép liên tục, khi đầy sẽ vận chuyển đi trong ngày. Mô hình này đã giúp tăng tần suất thu gom rác, qua đó giảm điểm tập kết xe thu gom rác hở trên các tuyến đường, phố.
Hiệu quả của các mô hình đã rõ, song để nhân rộng lại không dễ. Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Trần Hồng Hạnh chia sẻ: “UBND quận Thanh Xuân dự kiến tiếp tục triển khai mô hình điểm cẩu rác thân thiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo, song khó nhất hiện nay là một số phường không còn quỹ đất công”.
Còn Trưởng Trung tâm Tái chế và Truyền thông - URENCO Ngô Thanh Loan cho hay, để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ các điểm tập kết xe rác, URENCO mong muốn UBND các quận, phường rà soát quy hoạch, bố trí đất để đơn vị triển khai tiếp các điểm chuyển tải rác kín.
Về phía cơ sở, Phó Chủ tịch UBND phường La Khê (quận Hà Đông) Bạch Quang Đại cho biết, nhằm từng bước khắc phục tình trạng điểm tập kết xe rác cản trở giao thông, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phường đã yêu cầu đơn vị thu gom rác nâng cao trách nhiệm, ép và chuyển rác đi ngay trong ngày. Phường cũng đang phối hợp rà soát, tìm quỹ đất chưa sử dụng để bố trí điểm tập kết xe rác theo hướng không gây ảnh hưởng đến khu dân cư, không cản trở giao thông.
Để xóa dần điểm tập kết xe rác gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, các cấp, ngành, địa phương cần cộng đồng trách nhiệm, sớm có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, việc cấp thiết nhất là cần quy hoạch điểm tập kết xe rác, mô hình gom rác phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
https://hanoimoi.vn/can-quy-hoach-diem-tap-ket-xe-thu-gom-rac-647093.html