Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bệnh nhân phải hoãn mổ, có khả năng phải mù lòa vì không có thiết bị để thay. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra khá phổ biến nhiều tháng nay, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến trung ương, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của các cơ ở y tế và người bệnh. Nhưng đến nay, thực trạng này vẫn chưa có những giải pháp toàn diện.

Bác sĩ bất lực vì không có vật tư y tế

Ngay từ sau Tết 2022, tình trạng thiếu vật tư y tế chuyên ngành về “nhãn khoa” đã khiến nhiều bệnh viện mắt rơi vào cảnh khốn khổ. Nhiều bác sĩ tay nghề giỏi, phẫu thuật được cả những ca bệnh khó nhất về mắt cũng đang bó tay, bất lực vì không kiếm đâu ra vật tư y tế thay cho bệnh nhân, mà theo họ, nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa, sẽ có nhiều bệnh nhân bị mù lòa.

21-1655247762970
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chịu thiệt là người bệnh.

Tại một phòng khám của bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện công ở Hà Nội, bệnh nhân bị các bệnh lý về mắt xếp hàng la liệt chờ tới phiên khám. Một bác sĩ của phòng khám cho chúng tôi biết, hiện có 2 bệnh nhân bị bong võng mạc (là một bệnh lý nặng về mắt), đã được anh mổ rồi, nhưng giờ để giúp bệnh nhân tìm lại được ánh sáng, thì phải có vật tư để thay võng mạc, tuy nhiên, bệnh viện (nơi bác sĩ đang công tác) đang thiếu vật tư trầm trọng. Bác sĩ này vừa tái khám cho bệnh nhân, vừa vò đầu bứt tai: “Bác chịu khó chờ để cháu nghĩ xem có cách nào. Cả bệnh viện không còn một vật tư gì để thay thế”. Nghe bác sĩ nói vậy, bệnh nhân bị bong võng mạc ngậm ngùi: “Bác sĩ cứu tôi. Nhà tôi tận trên Chợ Đồn, Bắc Kạn, còn một đàn con trông chờ vào tôi, nếu tôi mù lòa, tôi lại thành gánh nặng của cả gia đình”. Với ca bệnh này, do không còn vật tư nên bác sĩ rút lại còn một bước là làm lạnh đông và bơm khí vào võng mạc. Nhưng giải pháp này tỉ lệ thành công nếu may mắn cũng chỉ được 20 – 30%. Ngay sau đó, vị bác sĩ này đã điện thoại cho một bệnh viện tuyến tỉnh để nhờ gửi bệnh nhân, nhưng bị từ chối. 

Một số bác sĩ khác cũng thuộc chuyên ngành mắt còn cho chúng tôi biết, nếu dồi dào vật tư y tế như trước đây, có ngày họ phẫu thuật khoảng 50 ca. Giờ không có vật tư, một ngày làm 1 ca còn khó!

Tương tự, một số bệnh nhân ung thư cũng kêu trời vì tạm hết hóa chất trong danh mục bảo hiểm y tế (BHYT). Anh Phạm Mạnh Quân (Hà Nội) cho biết, anh bị ung thư dạ dày, phải truyền 8 đợt hóa chất, đến đợt thứ 4 thì bệnh viện nói rằng tạm hết thuốc trong danh mục BHYT, chỉ còn thuốc ngoài danh mục. Biết rằng rất đắt và phải chi trả toàn bộ, nhưng lo sợ để lỡ thời gian điều trị sẽ không tốt, anh phải chấp nhận chi trả vài chục triệu đồng cho lần truyền này. Nhưng đến hẹn lần truyền tiếp theo, vẫn chưa có thuốc, anh lại tiếp tục “cắn răng” tự chi trả. “Nếu lần tới vẫn không có nữa thì tôi không còn đủ tiền, phải vay mượn”, anh Quân than thở.

Một bệnh nhân chờ mổ ở bệnh viện lớn của Hà Nội cho biết: “Khi vào phòng mổ tôi được bác sĩ xin lỗi vì hết thuốc gây mê, ca mổ bị hoãn lại”. Vật tư y tế khan hiếm nên một số bệnh viện để dùng cho các ca cấp cứu, còn những ca mổ phiên thì tạm hoãn được đến đâu hay đến đó.

Cách đây mấy tháng, tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy được phản ánh, vì không có thuốc, người bệnh phải mua thuốc bên ngoài với cái giá đắt đỏ. Đến nay, thuốc chống thải ghép vẫn đang thiếu tại một số cơ sở y tế, gây lo lắng cho người bệnh. Theo giám đốc một bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương ở Hà Nội, để theo dõi và điều trị cho hàng nghìn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng nhưng không dễ để mua được. Thuốc chống thải ghép phải dùng hết sức thận trọng và phải dùng thuốc chuẩn. “Chúng tôi phải làm đấu thầu mua thuốc Generic vì theo quy định không thể mua được nhiều biệt dược. Bây giờ hầu hết đều dùng thuốc Generic. Biệt dược cực kỳ thiếu”, vị giám đốc này nói.

Bệnh viện chờ bổ sung hành lang pháp lý đầy đủ

Nhiều bệnh nhân vì thiếu vật tư y tế chi trả theo BHYT đã không chờ đợi được họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc chuyển sang các bệnh viện tư nhân khác. Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, mà còn xảy ra tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Trước tình trạng thiếu thuốc điều trị theo diện BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương và cơ sở y tế công lập mua sắm để kịp thời cung ứng thuốc. Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, không để ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Nhưng đến nay hầu hết các bệnh viện còn dè dặt và “ngại” thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, đây là điều đáng quan ngại vì sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm. GS cũng cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nếu nhìn bề ngoài, có thể có nhiều ý kiến cho rằng việc nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến cán bộ y tế sợ không dám làm. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Gốc rễ vấn đề là để an toàn, các bệnh viện đang chờ sự thay đổi, bổ sung, cập nhật hành lang pháp lý đầy đủ.

Trong phiên họp thảo luận sáng 13/6 về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), GS Trí đã có bài phát biểu trước Quốc hội, trong đó ông kiến nghị, trước mắt cần triển khai cho được những nội dung trong Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của UBTVQH để mua sắm, để chống dịch, để khám chữa bệnh, và cũng cả để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình. Đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý - bao gồm cả luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch, và cả những luật khác có liên quan như Luật về giá, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật Tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện…

Tương tự, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định của Chính phủ để cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Cần có quy định riêng cho ngành Y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành Y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để các đơn vị tham gia đấu thầu.

Xem xét xử lý hình sự các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu gian lận BHYT

UBND TP Hồ Chí Minh mới đây đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố chủ trì, phối hợp Sở Y tế thành phố xây dựng kế hoạch và đề xuất giải pháp - quản lý, sử dụng có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT; đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chi phí KCB BHYT. Phân tích các yếu tố tăng, giảm chi KCB hằng tháng, quý toàn thành phố và của riêng từng cơ sở KCB, thông báo cho các cơ sở để chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi KCB BHYT tại đơn vị, góp phần cân đối dự toán toàn thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022. Thực hiện nghiêm túc quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định.   

Đồng thời, tăng cường công tác giám định chi phí KCB BHYT; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng các giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, báo cáo UBND thành phố.

Mặt khác, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Quỹ BHYT tại các cơ sở KCB, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Phối hợp với Sở Y tế kiên quyết ngưng hợp đồng KCB BHYT đối với các cơ sở y tế có hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT, vi phạm hợp đồng KCB BHYT theo quy định của pháp luật. Chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xem xét, xử lý hình sự đối với các cơ sở KCB có dấu hiệu phạm tội gian lận BHYT.  

Sở Y tế cũng được giao tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT. Sở Y tế phải chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua. (Phú Lữ)

Trần Hằng / CAND