Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã bấm nút khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast của tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhân sự kiện này, hãy cùng bàn đến một khâu quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô: Công nghiệp hỗ trợ.
Ông gàn Vinaxuki: “Tôi tin ôtô của Vingroup sẽ thành công” |
Bloomberg nói gì khi Vingroup "ôm mộng" sản xuất xe hơi cho người Việt? |
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Cho đến nay, đối với ngành sản xuất ô tô, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, vào khoảng 10% - 15% với xe ô tô con. Phải chăng việc sản xuất những ốc vít, da, mút, vải bạt, săm, lốp… khó đến như vậy?
Trao đổi với những nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ, tất cả đều cho rằng, sản xuất phụ kiện, phụ tùng, linh kiện... cho ô tô và các ngành khác là không khó nhưng vấn đề là sản xuất xong rồi thì bán cho ai? Các nhà sản xuất, chế biến, lắp ráp nước ngoài sẽ không mua bởi họ chỉ muốn nhập từ các công ty thành viên trong tập đoàn của họ hoặc các nhà sản xuất ở nước ngoài. Công ty Nhật sẽ mua từ nhà cung cấp Nhật; Hàn Quốc mua của Hàn Quốc.
Các nhà lắp ráp ô tô trong nước (vì đang lắp ráp những dòng xe của nước ngoài) cũng làm như thế do lo ngại về chất lượng sản phẩm và các cam kết nhà sản xuất nước ngoài. Nếu họ có mua sản phẩm trong nước thì đó chỉ là những thứ được sản xuất bởi các công ty có vốn nước ngoài mà họ có quan hệ hoặc trong những trường hợp chẳng đặng đừng.
Lý do họ có thể đưa ra là chất lượng sản phẩm không đạt hoặc đã có hợp đồng với các nhà cung cấp của họ... Còn những lý do khác dẫn đến việc họ chấp nhận giá cao, vất vả về thủ tục, rủi ro, để mua từ nước ngoài thì có thể ai cũng biết.
Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành, TP.Hải Phòng và tập đoàn Vingroup ấn nút khởi công dự án Vinfast. (Ảnh Tiền phong)
Muốn phát triển được, các nhà sản xuất chắc chắn phải cần Nhà nước hỗ trợ. Hỗ trợ cái gì, hỗ trợ thế nào? Hãy thử nhìn cả quá trình để đánh giá.
Đầu tiên là khâu sản xuất. Để sản xuất ra một sản phẩm, nhà sản xuất cần phải có yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm đó. Ví dụ, một con ốc cần phải có tiêu chuẩn chi tiết về dài, ngắn, bước ren, chịu tải kéo, lực nén, bao bì, đóng gói… Trên cơ sở này họ sẽ quyết định mua nguyên liệu gì, sử dụng máy móc nào để sản xuất.
Ở khâu này, sự hỗ trợ của Nhà nước có thể là chính sách thuế đối với nguyên liệu, máy móc nhập khẩu để đảm bảo rằng, nhà sản xuất trong nước có điều kiện về nguyên liệu và máy móc, con người vận hành tương đương với các nhà sản xuất nước ngoài khi sản xuất tại đất nước họ.
Một cách nữa cũng có thể xem xét tới, đó là các nhà sản xuất trong nước hợp tác với các đơn vị nước ngoài có thế mạnh về công nghiệp phụ trợ (như mới đây có một công ty Việt Nam đã được Samsung giúp đỡ và chấp nhận chất lượng sản phẩm) để có được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của họ, có nghĩa là đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tiếp theo là khâu tiêu thụ sản phẩm. Khi trong nước đã sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế (Mỹ, G7…), nhà sản xuất nội địa cần có sân chơi bình đẳng với các nhà sản xuất nước ngoài khác. Cụ thể, họ phải được tham gia đấu thầu việc cung cấp sản phẩm cho tất cả các đơn vị sản xuất, lắp ráp xe hơi trong và ngoài nước.
Đối với khâu này, sự hỗ trợ của Nhà nước có thể là việc thành lập một đơn vị thí nghiệm khách quan (của một hãng nước ngoài uy tín toàn cầu) để kiểm tra, xác nhận chất lượng sản phẩm. Tiếp sau đó là chính sách quy định việc mua sản phẩm phụ trợ bình đẳng giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Đồng thời với những sự hỗ trợ nêu trên, chính sách ưu đãi về vốn, cho thuê đất, thuế sẽ tạo môi trường để các nhà sản xuất trong nước tham gia vào sân chơi này. Cũng cần lưu ý rằng, tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần xác định đối tượng cụ thể để phát triển sản xuất trong nước, không cào bằng, hỗ trợ tràn lan.
Hãy hình dung vào một ngày đẹp trời, có quy định rằng, tất cả các nhà sản xuất, chế biến, lắp ráp buộc phải đưa ra tiêu chuẩn chi tiết về các sản phẩm công nghiệp phụ trợ mà họ cần. Họ phải tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn nhà cung cấp và không được phân biệt giữa trong nước và ngoài nước.
Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất phụ trợ của chúng ta (khi đã chắc chắn có xác đạt chuẩn kỹ thuật, bảo quản… của đơn vị uy tín trên thế giới) tham gia vào các cuộc đấu thầu và giành được hợp đồng cho không chỉ một mà nhiều nhà sản xuất, chế biến, lắp ráp tại Việt Nam, trong ASEAN và xa hơn nữa.
Tin tưởng rằng, với chính sách đúng, với sự mạnh bạo, quyết tâm làm một cách minh bạch của các nhà sản xuất trong nước, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Nhà nước, chúng ta sẽ dần có được ngành sản xuất phụ trợ để cung cấp sản phẩm cho các ngành sản xuất trong nước và thậm chí có thể xuất khẩu.
Chúng ta đã đau xót, tiếc nuối với "ông già làm ôtô" Bùi Ngọc Huyên (Vinaxuki). Đừng để có thêm những việc như vậy nữa xảy đên với những con người mang khát vọng xây dựng đất nước. Đừng để tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải đi nhập từng bu-lông từ nước ngoài với giá đắt đỏ. Hãy để Phạm Nhật Vượng tự hào nói rằng xe ô tô của ông được sản xuất, lắp ráp từ 100% sản phẩm trong nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
http://www.nguoiduatin.vn/can-su-but-pha-voi-cong-nghiep-ho-tro-a338846.html