Chủ cơ sở các điểm thu mua cau non cho biết họ mua để bán lại cho thương lái và sau đó xuất sang Trung Quốc để nơi đây làm kẹo.
Dọc tuyến đường từ thị trấn Phong Điền đến xã Tân Thới (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) có nhiều điểm thu mua cau non. Từng buồng cau chất đống trong các cơ sở được nhân công lặt ra từng trái.
Lặt cau non rời ra
Một chủ cơ sở tại xã Tân Thới cho biết: "Một ngày tôi thu mua khoảng 1 tấn cau non do người dân trong vùng và ở Hậu Giang chở lên, với giá 14.000 đồng/kg. Cau non tươi được nhân công lặt ra từng trái và sau đó chúng tôi bán lại cho thương lái, nghe nói thương lái bán cau sang Trung Quốc để làm kẹo. Họ không bán kẹo cau ở Việt Nam nhưng có lần một thương lái đem loại kẹo này cho tôi ăn, thấy nó ngọt và hơi có vị chát của cau".
Cau được cơ sở thu gom của người dân hoặc người dân chở đến bán với giá 14.000 đồng/kg
Chủ cơ sở cho biết những trái cau tươi như thế này được luộc rồi đem sấy, sau đó bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc làm kẹo
Cách đó khoảng vài chục mét, một cơ sở thu mua cau non khác của một người phụ nữ từ Hải Phòng vào mở khá hoành tráng cách đây không lâu. Theo nhiều nhân công làm tại đây, người này đã thuê đất để mở cơ sở. Nhân công lặt cau đa số là phụ nữ, người già và trẻ em. Bà Trần T. Ph. , một nhân công, cho biết: "Bà chủ quê ở Hải Phòng vào đây mở nhiều điểm thu mua cau non lắm, có cả xe tải đi gom cau khắp các tỉnh với khoảng 4-5 tấn/ngày. Bà ấy có cả lò lớn để luộc cau rồi dụng cụ sấy cau. Nếu cau sấy bán cho thương lái có giá hơn".
Một cơ sở thu mua khoảng 1 tấn cau/ngày ở xã Tân Thới
Theo lời bà Ph. thì không biết chủ cơ sở bán cau cho ai nhưng nghe nói là bán sang Trung Quốc làm kẹo. Nhờ có các điểm thu mua cau mà người dân địa phương có công ăn việc làm. Một ngày gia đình bà Ph. gồm 4 người làm công việc lặt cau được khoảng 400-500 kg, được trả 400 đồng/kg. "Tôi cũng hết tuổi lao động, có mấy đứa cháu nghỉ hè cũng sang đây lặt cau, có tiền mua gạo ăn hằng ngày", bà Ph. nói.
Nhờ có các điểm thu mua cau nên người dân nông thôn có việc làm
Sáng 1-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Út Em, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) huyện Phong Điền, thông tin: "Trước đây, ở huyện có 7 điểm thu mua cau. Cau trên địa bàn huyện không nhiều, các cơ sở chủ yếu đi thu gom ở các địa phương lân cận theo đặt hàng của thương lái. Theo thông tin phòng có được, cau được cơ sở sấy nguyên trái sau đó bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Còn sau khi bán sang Trung Quốc họ làm gì chúng tôi không nắm". Trước tình hình này, Phòng NN-PTNT cũng có khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng cau.
Cà phê nhuộm pin: Dân nghi ngờ từ năm 2016 Bị bắt quả tang nhuộm tạp chất cà phê với bột than pin, chủ cơ sở cho rằng không biết người mua để làm gì! |
Săn lùng cau non xuất đi Trung Quốc Với giá 130.000 đồng mỗi kg sấy khô, nhiều thương lái miền Tây đang đổ xô lùng mua cau non xuất bán sang Trung Quốc. |