Tình trạng kẹt xe ở các cung đường vào một số cảng biển tại TP HCM khiến chi phí vận chuyển tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp

Đường Nguyễn Thị Định là con đường duy nhất vào cảng Cát Lái (phường Cát Lái, quận 2, TP HCM) nhưng chỉ có 2 làn dành cho ôtô. Đường này thường xuyên chật cứng người và xe từ các khu dân cư quanh cảng Cát Lái đổ ra nên chuyện kẹt xảy ra như cơm bữa.

Khu dân cư áp sát cảng biển

Sở Giao thông Vận tải TP cho biết những ngày cao điểm, lượng xe ra vào cảng Cát Lái lên đến 20.000 chiếc nên hạ tầng không đáp ứng nổi. Theo ghi nhận, ngoài lượng xe container ra vào cảng lấy hàng thì còn có một lượng lớn ôtô cá nhân của các khu dân cư quanh cảng biển lớn nhất cả nước này. Ngay lối vào cổng C của cảng Cát Lái là khu dân cư rộng hàng chục hecta với nhiều nhà phố và chung cư cao tầng. Hiện hữu có chung cư Citi Home với 4 block là nơi sinh sống của hàng ngàn cư dân. Cạnh đó, một chung cư cao tầng khác có tên Citi Esto cũng đang được xây dựng. Thấp tầng hơn thì có các dãy nhà phố, biệt thự cao cấp. Đi sâu vào bên trong cổng C, các dãy nhà phố hiện ra, phía đối diện là hàng ngàn container xếp chồng lên nhau. Anh Trần Thanh Tùng, ngụ chung cư Citi Home, dường như đã quá quen với tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định vào các buổi chiều. "Xe quá đông còn đường lại nhỏ hẹp, không kẹt xe mới lạ. Khi chung cư bên cạnh đón cư dân vào ở thì lượng xe chắc chắn sẽ đông hơn. Không biết đến lúc đó kẹt xe sẽ như thế nào" - anh Tùng thở dài.

cang bien bi bao vay

Khu dân cư Cát Lái nằm ngay lối vào cổng C cảng Cát Lái tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và phá vỡ quy hoạch

Cùng chung cảnh ngộ là cụm cảng Trường Thọ (thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) khi nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Bao năm qua, người dân quanh đây luôn sống trong bất an khi tuyến đường kết nối vào cảng (đường số 1 và số 2) thường xảy ra những vụ tai nạn giữa xe máy với xe container.

Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài cũng khiến người dân bức xúc. Cách đây 2 năm, đường số 2 được mở rộng, nhiều người đã chọn đây là hướng lưu thông từ đường Kha Vạn Cân ra hướng xa lộ Hà Nội với khoảng cách gần hơn nếu đi theo hướng ngã tư Thủ Đức nên lượng xe tuyến đường này ngày càng đông. Chưa kể, trên đường số 2 lại có một số bãi tập kết container nên cảnh xe container song hành cùng xe máy diễn ra như cơm bữa khiến người dân nơm nớp lo sợ. Cách cụm cảng này không xa là Nhà máy Xi-măng Hà Tiên cùng với nhiều trạm trộn bê-tông. Từ khu vực này, xe bồn, xe container ngày đêm rầm rập đi ra xa lộ Hà Nội để hòa vào dòng xe cá nhân đổ về nội đô hoặc hướng Đồng Nai trong sự bất an của người đi đường.

Lỗi tại quy hoạch?

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cho biết tình trạng kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái khiến chi phí vận chuyển tăng lên làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trước đây, mỗi ngày tài xế có thể "đánh" được 2 chuyến hàng nhưng đến nay chỉ còn 1 chuyến. Ngoài tiền xăng dầu, chi phí nhân công thì chi phí thời gian do phải xếp hàng "bò" trên đường là lãng phí rất lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất hợp lý này, theo ông Quản, là do quy hoạch các khu dân cư ngay cạnh cảng biển. Các nước quy hoạch gần cảng biển là hậu cần kỹ thuật, kho bãi và khu công nghiệp để vận chuyển dễ dàng nhưng nhìn quanh cảng Cát Lái lại là khu dân cư. "Với giá đất hơn 20 triệu đồng/m2, không doanh nghiệp nào dám bỏ tiền đầu tư bến bãi gần cảng để thuận tiện cho việc lấy hàng. Do đó, lượng xe "chạy rỗng" ra vào cảng tăng lên nên cũng là nguyên nhân gây kẹt xe" - ông Quản dẫn chứng.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng nếu TP đã xác định 3 quận phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức là khu đô thị sáng tạo trong tương lai thì phải xác định quy mô và định hướng của cảng Cát Lái trong tương lai sẽ như thế nào. Từ đó, TP mới tính đến các phương án kết nối bằng các tuyến đường vành đai, đường sắt hay làm đường riêng cho xe ra vào cảng. "Việc định hướng quy hoạch phải được đưa ra từ cơ sở khoa học và xác lập bằng văn bản pháp lý để các sở ngành thực hiện nhằm không chỏi nhau khi áp dụng vào thực tế" - TS Phạm Sanh đề nghị.

Nhận xét về các dự án giao thông đang thực hiện ở khu vực cảng Cát Lái, chuyên gia này cho rằng các dự án đều chỉ dừng lại ở mức độ "gỡ rối" chứ chưa căn cơ. Ông Sanh cũng cho biết thêm cụm cảng Trường Thọ cũng có kế hoạch di dời từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thấy rục rịch.

cang bien bi bao vay Quảng Nam muốn mở rộng sân bay, cảng biển

Mở rộng sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam mong muốn xây dựng trung tâm logistics hàng không đầu tiên của ...

cang bien bi bao vay Cảng biển Quy Nhơn thông luồng sau 40 ngày ách tắc

Sau 40 ngày ách tắc do sự cố chìm tàu trong bão số 12, luồng hàng hải cảng Quy Nhơn được khơi thông trở lại ...

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

/ https://nld.com.vn