Tờ Times of India ngày 23/6 đưa tin Trung Quốc đã xác nhận có 2 sĩ quan, trong đó một người là sĩ quan chỉ huy, thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan hôm 15/6.
Theo Times of India, phía Trung Quốc đã xác nhận thông tin này ngay sau khi vụ việc xảy ra nhưng đến nay mới được thông báo. Trước đó, trong số báo ngày 18/6, Times of India dẫn nguồn tin tình báo tiết lộ thông tin nói trên.
Phía Ấn Độ xác nhận thiệt hại 20 binh sĩ trong vụ đụng độ, trong đó có một đại tá. Quân đội Ấn Độ cho biết cả hai nước đều có thương vong nhưng Trung Quốc đến nay vẫn không đề cập đến con số thương vong của phía mình.
Trả lời phỏng vấn với kênh TV News24 hôm 20/6, Bộ trưởng phụ trách đường bộ và vận tải Ấn Độ V.K.Singh nói phía Trung Quốc có ít nhất 40 người thiệt mạng nhưng không đưa ra dẫn chứng.
Ông Singh, cựu tư lệnh lục quân Ấn Độ, còn cho biết nước này đã bắt giữ một số binh sĩ Trung Quốc xâm nhập trái phép. Những người này được trao trả cho phía Trung Quốc trong khi nước này cũng thả 10 binh sĩ Ấn Độ vào hôm 18/6.
Vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở thung lũng Galwan trong khu Ladakh thuộc vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát. Đây được cho là vụ đụng độ chết người đầu tiên giữa hai nước kể từ sau vụ 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng sau khi bị lính Trung Quốc phục kích trong lúc tuần tra dọc biên giới giữa hai nước vào năm 1975.
Đoàn xe quân sự Ấn Độ trên cao tốc đến vùng Ladakh giáp với biên giới Trung Quốc, ngày 18/6. Ảnh: Reuters. |
Tờ The Straits Times ngày 22/6 đưa tin chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi quy tắc quy tắc phản ứng của quân đội tại biên giới, cho phép binh sĩ nổ súng nếu cần thiết.
Trước đó, binh lính Ấn Độ tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận với Trung Quốc được ký kết vào năm 1996, quy định không bên nào được nổ súng trong khu vực rộng 2 km tính từ Đường kiểm soát thực tế (LAC), giới tuyến phân định vùng kiểm soát của 2 bên ở khu vực tranh chấp.
Theo The Straits Times, quyết định mới được Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đưa ra trong chuyến thị sát biên giới với Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat và các chỉ huy quân đội hôm 21/6.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi ngày 19/6 tuyên bố quân đội nước này tự do thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc theo sau vụ đụng độ chết người.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph. |
Trong khi đó, tình báo Mỹ cho hay tướng Trung Quốc Triệu Tông Kỳ đã lệnh cho thuộc cấp tấn công lính Ấn Độ ở Galwan nhằm "dạy cho nước này một bài học".
Tướng Triệu Tông Kỳ, tư lệnh Chiến khu miền Tây thuộc quân đội Trung Quốc (PLA), đã phê chuẩn kế hoạch hoạt động của binh sĩ dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), khu vực tranh chấp ở phía bắc Ấn Độ và tây nam Trung Quốc, một nguồn tin cho biết về đánh giá của tình báo Mỹ.
Tình báo Mỹ cho rằng tướng Triệu đã cho phép các binh sĩ thuộc quyền tấn công lính Ấn Độ ở thung lũng Galwan hồi tuần trước, dẫn tới vụ ẩu đả đẫm máu giữa quân đội hai nước, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và làm gia tăng đáng kể căng thẳng song phương.
Tướng Triệu, người chỉ huy lực lượng Trung Quốc trong nhiều vụ đụng độ trước đây với Ấn Độ, từng bày tỏ quan ngại rằng nếu tỏ ra yếu đuối, Trung Quốc có thể bị Mỹ và các đồng minh, trong đó có Ấn Độ, chèn ép. Theo nguồn tin, tướng Triệu cho rằng vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 ở Galwan là cách để Trung Quốc "dạy cho Ấn Độ một bài học".
Đánh giá của tình báo Mỹ trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc về vụ ẩu đả hồi tuần trước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo ngày 19/6 nói Ấn Độ là bên duy nhất "có lỗi" với loạt hành động "khiêu khích và xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc".
Giới chuyên gia cho rằng vụ ẩu đả không phải là một sự cố bùng phát vượt tầm kiểm soát như các vụ đụng độ trước đây, mà là một động thái được Trung Quốc lên kế hoạch từ trước nhằm gửi thông điệp phô diễn sức mạnh tới Ấn Độ. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như phản tác dụng bởi vụ ẩu đả châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ trên khắp Ấn Độ suốt một tuần sau đó.
inh sĩ Trung Quốc lên máy bay đến cao nguyên tây bắc, ngày 6/6. Ảnh: CCTV . |
Theo tình báo Mỹ, tướng Triệu đã tổ chức lễ truy điệu cho các binh sĩ dưới quyền chết trong vụ đụng độ, nhưng truyền thông Trung Quốc không đề cập gì tới buổi lễ này như những lần trước đây. Các bài đăng trên mạng xã hội đề cập đến "thất bại" hoặc "sỉ nhục" khi nói về những binh sĩ thương vong trong vụ đụng độ với Ấn Độ cũng nhanh chóng bị xóa.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm khiến Ấn Độ "biết điều" hơn trong các cuộc đàm phán tương lai, trong đó có tranh chấp lãnh thổ, sụp đổ hoàn toàn và thay vào đó dường như đẩy quốc gia Nam Á này xích lại gần hơn với Mỹ.
Mỹ trong nhiều tháng qua gây áp lực để Ấn Độ từ bỏ kế hoạch xây dựng mạng 5G với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Sau vụ ẩu đả hồi tuần trước, nhiều người Ấn Độ xóa ứng dụng mạng xã hội TikTok và đập điện thoại do Trung Quốc sản xuất. "Nó trái ngược những gì Trung Quốc muốn, đây không phải chiến thắng của quân đội nước này", nguồn tin cho biết.
Các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc gặp nhau hôm qua để thảo luận về vụ ẩu đả. Hiện chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vai trò như thế nào trong vụ đụng độ. Giới chuyên gia am hiểu cách quân đội Trung Quốc thực thi mệnh lệnh cho rằng ông Tập gần như chắc chắn biết về quyết định trên.
Quân đội hai nước trong những tháng gần đây tập trung lực lượng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế tại khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, gây lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng. Công ty tình báo tư nhân Hawkeye 360 tuần trước công bố ảnh vệ tinh chụp cuối tháng 5 cho thấy Trung Quốc có thể đã điều xe thiết giáp chở quân và pháo tự hành lên biên giới.
Mỹ hầu như im lặng về vụ ẩu đả trên biên giới Ấn - Trung hồi tuần trước, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng tin tưởng rằng Ấn Độ cùng nguồn lực kinh tế to lớn của quốc gia Nam Á này đang ngày càng hướng về phía Mỹ.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống